8h sáng 18/11, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình bắt đầu trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong 4 vị trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông Bình là người duy nhất không phải là thành viên Chính phủ mà là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước. Nhiều vấn đề về án oan, người dân đề nghị giám đốc thẩm do không tin tưởng vào bản án sơ thẩm, phúc thẩm, vụ án Trương Hồ Phương Nga… đang được các đại biểu đưa ra.

chat van chanh an mot tay cam ban an cua toa bao xu dung mot tay cam van ban cua vks noi xu sai
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: quochoi.vn)

‘Số phận của bản án có hiệu lực rất mong manh’

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu rõ: “Thực trạng trả hồ sơ điều tra trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện nay không ít. Điều này phản ánh hiện trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như sai lầm về nghiệp vụ trong xét xử không mấy thay đổi“.

Ông Chiến dẫn chứng phản ánh của cử tri rằng có vụ án đang thụ lý nhưng lại bị đưa ra xét xử lần hai – điều này là trái với quy định tại điều 31 Hiến pháp: một người không bị xét xử 2 lần về cùng một hành vi phạm tội. Hoặc vụ công ty Hồng Lan (Hà Nội) gửi đơn kêu cứu tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Do án bị hủy phải sửa đi sửa lại tới 7 lần kéo dài gần 10 năm và hiện đang trở lại sơ thẩm từ đầu.

Thực tế có nhiều vụ án rơi vào tình trạng này“, ông Chiến nói, yêu cầu Chánh án cho biết trách nhiệm của ngành và biện pháp giải cứu.

“Thứ hai, thời gian qua số phận của bản án có hiệu lực rất mong manh vì khá nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực thì bị khiếu nại giám đốc thẩm.

Người có thẩm quyền kháng nghị có đến 4 địa chỉ TAND cấp cao, VKS cấp cao, TAND, VKSND tối cao. Từ thực tế này đang xảy ra tình trạng bất nhất về quan điểm nghiệp vụ”.

nguyen van chien ha noi
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội). (Ảnh: VGP)

Ông Chiến viện dẫn: “Có những vụ án TAND cấp cao khu vực vừa ban hành văn bản trả lời đơn là bản án bị khiếu nại xử đúng không có cơ sở kháng nghị, nhưng sau đó đơn sự lại nhận được kháng nghị của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hoặc VKSND tối cao là án xử sai, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Như vậy trên tay người dân, một tay cầm bản án của Tòa bảo xử đúng, nhưng một tay kia lại cầm văn bản của VKS nói xử sai”.

Thay mặt cử tri, ông Chiến đề nghị Chánh án cho biết chức năng của VKS ở đâu, nguyên nhân cũng như có một lời khẳng định trước cử tri sẽ sớm chấm dứt thực trạng này.

Câu hỏi thứ ba, đại biểu Nguyễn Chiến cho biết Hội đồng thẩm phán đã ban hành 6 án lệ. “Xin hỏi chánh án đến nay có bao nhiêu vụ án đã áp dụng án lệ? Vì sao nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ còn quá mờ nhạt trong hoạt động xét xử phục vụ cải cách tư pháp?“, ông Chiến đưa ra chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thời gian qua, có vụ án trả 7 lần. Năm 2017, trả điều tra bổ sung là hơn 2.000 vụ án, trong đó có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần.

Vì sao vụ án kéo dài? Ông Bình cho hay là do thời gian hồ sơ nằm ở tòa luôn theo quy định luật, 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng tùy theo quy định. Theo đó, việc kéo dài nhiều năm không phải ở tòa án. 

Theo tố tụng hình sự cũ, VKS được trả 2 lần, ở tòa án được trả 2 lần. Nhưng tố tụng hình sự mới băt đầu từ tháng 1/2018 đối với tòa án trước khi xét xử tòa án được trả 1 lần và chủ tọa phiên tòa được trả 1 lần nữa trong quá trình xét xử và hết hai lần trả hồ sơ nếu như yêu cầu của điều tra bổ sung không được đáp ứng thì tòa buộc phải tuyên là không đủ yếu tố kết tội“.

Giải pháp cho việc này là cơ quan truy tố phải nâng cao chất lượng vụ án ở giai đoạn điều tra“, Chánh án cho hay.

le ngoc hai quang nam
Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam). (Ảnh: VGP)

Chất vấn về tình trạng án oan sai, đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho hay trong những ngày qua, dư luận rất bức xúc trước vụ án làm oan nghiêm trọng cho 3 người trong cùng một gia đình tại Tuần Giáo – Điện Biên. Bà Đặng Thị Nga là vợ và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Duy Dương đã bị kết án về tội giết chồng giết cha.

“Cả 3 mẹ con cùng rơi vào trong vòng lao lý. Sau 28 năm không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga  là ông Trịnh Công HIếu đã qua đời mang theo tội giết cha. Ngày 24/10/2017 vừa qua, cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là  rất lớn”.

“Đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm gây ra oan sai thuộc cơ quan nào và cách xử lý?”, ông Hải nói.

Song song với câu hỏi về trách nhiệm gây án oan sai, đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chánh án cho biết giải pháp để một mặt thực hiện công khai bản án lên mạng internet, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo quyền bí mật riêng tư của các tổ chức và cá nhân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Ngọc Hải, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đây là một vụ án rất đáng tiếc đã xảy ra từ 27, 28 năm trước, thậm chí là cũng có người đã chết.

Trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, có nguyên nhân cái chết là vỡ sọ, nhưng trong yêu cầu của tòa án tối cao khi khai quật lần 2 thì phát hiện họp sọ vẫn còn nguyên, nên tôi xác nhận đây là vụ án oan“, ông Bình nói. 

Người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao cho hay đã cùng với Điện Biên họp bàn, đình chỉ vụ án, cho đại diện của 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên xin lỗi gia đình. 

Về trách nhiệm trước hết 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại hồ sơ để kiểm điểm và xử lí theo quy định cả ba giai đoạn lẫn điều tra, truy tố và xét xử để tìm ra những người làm nên án oan này. Còn việc thương lượng bồi thường thì đang diễn ra theo đúng quy định“, ông Bình cho hay.

Đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm 4.443 đơn, tồn trên 10.000 đơn

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) cho biết theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, năm 2017 số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 4.443 đơn so với năm 2016, còn tồn trên 10.000 đơn chưa được xem xét giải quyết. Số đơn đã giải quyết chỉ đạt 39,3%.

Bà Thuận nêu ý kiến cho hay điều này là do tâm lý người dân dường như thiếu niềm tin ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, chờ đợi hy vọng ở cấp xét xử giám đốc thẩm sẽ làm thay đổi bản án. Đồng thời, có nhận thức từ người dân cũng như các cơ quan nhà nước cho rằng giám đốc thẩm là một cấp xét xử thứ ba.

Vì thế, trừ những trường hợp vụ án được kháng nghị, thì các cấp tòa ở dưới dù có xét xử đúng đến mấy thì người dân cũng có đơn đề nghị giám đốc thẩm“, bà Thuận cho hay.

phan thi binh thuan tpchm
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM). (Ảnh: VGP)

Song song là tình trạng các vụ án xét xử nhiều lần, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm kéo dài nhiều năm liền, có trường hợp đương sự đã chết nhưng vẫn chưa có bản án cuối cùng. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện gay gắt kéo dài và không thi hành án được” – đại biểu TP.HCM nhận định, đề nghị Chánh án đánh giá về tình trạng nêu trên, giải pháp để khắc phục để bản án quyết định sơ thẩm, phúc thẩm không bị kháng cáo kháng nghị, có hiệu lực pháp luật để thi hành.

Bao giờ xử tiếp vụ Trương Hồ Phương Nga là câu hỏi do đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt ra. Theo bà Mai, đây vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vì không chỉ liên quan đến tranh chấp tài sản mà còn liên quan đến các giá trị đạo đức.

Vụ án đến nay đang tạm dừng xétt xử. Vậy kế hoạch xét xử trong thời gian tới hoặc hướng giải quyết vụ việc như thế nào?

Cũng đại biểu đoàn Hà Nội cho biết theo báo cáo năm 2017, số lượng các vụ án mỗi năm tăng 8%. Giải pháp nào của ngành để một mặt bảo đảm yêu cầu tinh giản biên chế theo yêu cầu tại NQ 39 của Bộ Chính trị, mặt khác vẫn bảo đảm chất lượng xét xử, tiến độ xét xử.

Nhóm PV

Xem thêm: