Nếu tới đây, Quốc hội thông qua Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo phương án do Chính phủ trình, việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

sat hach cap bang lai
Học viên và giáo viên tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Vĩnh Phúc, 2019. (Ảnh minh họa: Loner Nguyen/Shutterstock)

Chính phủ vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 tới, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020.

Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trên cơ sở khắc phục Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó xác định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự án luật này được đưa ra song song với dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.

Một trong những nội dung làm dấy nên nhiều ý kiến trái chiều là Bộ Công an hay Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hiện các việc này do Bộ GTVT quản lý.

Tối 6/9, Tuổi Trẻ dẫn thông tin cho biết trong tờ trình vừa hoàn thiện, đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tức thuộc Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký văn bản thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội kiến nghị việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Do có ý kiến khác nên Chính phủ đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo.

Đối với phương án 2: việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) – Chính phủ cho biết từ năm 2001 đến nay, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ…, Thanh Niên ngày 7/9 cho hay.

Trước đó, Chính phủ công bố đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an quy định giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm, với hình thức cộng/trừ điểm, hoặc khôi phục điểm hàng năm: Nếu trong 1 năm, tài xế phạm luật bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe; nếu không trừ hết điểm thì sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì được cộng điểm.

Nếu dự luật này tới đây được Quốc hội thông qua thì việc sát hạch, cấp phép giấy phép lái xe và theo dõi việc chấp hành pháp luật (cộng/trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do Bộ Công an quản lý.

Ngoài ra, dự Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn có đưa ra một số nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3,5 tấn; bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F, giấy phép lái xe còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Nguyễn Quân

Xem thêm: