Trong lúc chờ ý kiến của Bộ Y tế hay hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cho các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19 được hưởng một số chế độ thu phí.

Bv fv
Các bác sĩ trong ekip trực đang làm việc tại khu vực dành riêng cho khoa điều trị COVID-19, Bệnh viện FV, tháng 8/2021. (Ảnh minh họa: fvhospital.com)

Tại văn bản do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký ngày 22/9, trình UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cho hay TP đã có văn bản trình Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, TP chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Y tế hay văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP xem xét cho các bệnh viện tư nhân tại TP.HCM tham gia điều trị COVID-19 được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị COVID-19.

3 cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19 do Sở Y tế TP đề xuất gồm:

– Chi phí điều trị COVID-19 (bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật…): Ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019; bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

– Chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị COVID-19 (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế TP cấp): Ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan BHXH hiện đang thanh toán cho đơn vị.

– Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh…): Các bệnh viện tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế TP (nếu có).

Trong đợt khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 bùng phát lần 4 (tính từ ngày 27/4), kể từ cuối tháng 7, TP.HCM đã huy động các cơ sở y tế tư nhân vào việc phòng ngừa, điều trị bệnh nhân COVID-19, để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập đang quá tải.

Tổng cộng TP.HCM đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia tất cả các hoạt động phòng chống dịch. Trong đó, có 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đổi công năng (một phần hoặc toàn bộ) để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Tuy nhiên, tới nay vấn đề cơ chế tài chính cho các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19 vẫn chưa được giải quyết.

Vào ngày 23/8, với lý do “việc mua sắm thuốc, vật tư y tế cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt”, UBND TP.HCM đã gửi công văn 2828, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Chính phủ hướng dẫn việc chi trả chi phí cho các bệnh viện tư nhân điều trị COVID-19.

Ngày 1/9, trong công văn 10101 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho biết: “Đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: Quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh COVID-19 tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị COVID-19 ngoài công lập; quy định việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở điều trị COVID-19 ngoài công lập.”

Đến ngày 9/9, Bộ Y tế có Tờ trình số 1359 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có đề xuất các cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia thu dung, điều trị COVID-19.

Bộ Y tế nêu: “Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho F0 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo từng người bệnh với mức thanh toán do HĐND tỉnh – nơi cơ sở đặt trụ sở quyết định, theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện Trung ương trên địa bàn”.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho hay đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Y tế hay văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Theo báo Tuổi Trẻ tối 22/9, các bệnh viện tư đang gặp khá nhiều khó khăn về tài chính trong điều trị COVID-19. Một số cơ sở “lách luật” bằng cách kêu gọi bệnh nhân quyên góp hoặc ủng hộ để duy trì hoạt động.

Báo Lao Động ngày 17/9 cho hay Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (Bình Chánh) đã chuyển đổi 100% công năng để nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn bệnh viện chuyển đổi toàn bộ công năng để điều trị COVID-19 tức là chấp nhận rủi ro và không có nguồn thu nào. Hiện nay, bệnh viện phải liên tục gồng gánh trong việc mua các thiết bị máy móc và thuốc điều trị hỗ trợ như: Máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy thở, máy ECMO, đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao… Ngoài ra bệnh viện vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân sự…

“Nhiều trường hợp nặng vào ICU nên chi phí điều trị đội lên rất cao lên tới hàng trăm triệu để điều trị”, ông Thanh nói, cho hay thời gian qua bệnh viện vẫn vận động quyên góp để có chi phí điều trị.

“Chúng tôi công khai đi “xin”, đi kêu gọi ủng hộ từ phía mạnh thường quân và cả bệnh nhân nữa, huy động được đồng nào hay đồng đó. Có thể có người nhiều người nhìn vào với cặp mắt không thiện cảm nhưng mình chấp nhận để mình ráng cứu người”  – ông Thanh bày tỏ.

Bệnh viện FV (quận 7) cho hay đã chuyển đổi công năng khu vực điều trị nội trú tại Khoa Nội thành Khu điều trị COVID-19, theo mô hình “bệnh viện tách đôi” từ đầu tháng 7. Hệ thống điều trị COVID-19 tại FV gồm 63 giường chăm sóc thường, 11 giường hỗ trợ máy thở và 15 hệ thống HFNC

Trên báo Lao Động ngày 17/9, đại diện Bệnh viện FV cho biết do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thu phí điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện FV vẫn thu phí điều trị cho mọi bệnh nhân theo cách tính phí của bệnh viện từ trước đến nay và có chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân có khó khăn.

“Khi nào có hướng dẫn cụ thể hơn thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan”, đại diện bệnh viện cho hay.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Thứ trưởng Bộ Y tế: Công văn đề nghị xử lý y bác sĩ bỏ việc chỉ là khuyến cáo