Người mượn, cho mượn CMND/CCCD thật để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt từ 4-6 triệu đồng, tương đương với mức phạt đối với hành vi làm giả CMND/CCCD. Trong khi đó, người không cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cũng có thể bị phạt từ 300.000-500.000 đồng. 

lam the cccd tphcm 0
Một điểm làm thẻ căn cước công dân tại quận Gò Vấp, TP.HCM, tháng 8/2022. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trí Thức VN)

Mua, bán, cầm cố CMND/CCCD đều bị cấm

Vừa qua, với việc công bố lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số ngành công an, Bộ Công an cho hay đã cấp hơn 73 triệu thẻ CCCD gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước, tương đương 89%. Cần lưu ý, trên thực tế, người sử dụng CMND/CCCD có thể phạm phải nhiều hành vi bị phạt, từ phạt tiền đến phạt tù tùy mức độ vi phạm, mà không hay biết.

Theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), người không xuất trình CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Người không cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cũng bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định thẻ CCCD sẽ hết hạn vào 3 mốc tuổi là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trong trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trước 2 năm so quy định, thẻ này sẽ có giá trị sử dụng đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Việc không nộp lại CMND/CCDC cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại CMND/CCDC cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc – áp dụng mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Mức phạt lên tới 1-2 triệu đồng nếu chiếm đoạt, sử dụng CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND của người khác; tẩy xóa, sửa chữa hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.

Đáng lưu ý, hành vi mượn/cho mượn CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND để thực hiện hành vi trái pháp luật bị phạt từ 4-6 triệu đồng, cao gấp 1,5-2 lần mức phạt về hành vi cung cấp giấy tờ giả, dữ liệu giả để được cấp CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND (2-4 triệu đồng).

Tương tự, hành vi mua, bán, thuê, cho thuê CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND cũng bị phạt từ 4-6 triệu đồng, tương đương với mức phạt đối với hành vi làm giả CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng hoặc thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố CMND/CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND giả.

Khi nào làm giả CMND/CCCD bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), hành vi làm giả CMND/CCCD hoặc sử dụng CMND/CCCD giả có thể bị cấu thành tội danh sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khác, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm tùy mức độ vi phạm như sau:

Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi này bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Hoạt động có tổ chức; hoặc phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; hoặc có hành vi tái phạm nguy hiểm. Đối với mỗi hành vi trên, án tù từ 2-5 năm.

Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên – bị phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài các mức án tù trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.