Quy định này được áp dụng từ ngày 1/9/2019.

xe cong
Cho mượn xe ô tô công sẽ bị phạt 60 triệu đồng. (Ảnh minh họa/qua thegioimoto.net)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 63 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công,…

Đối tượng áp dụng là các tổ chức cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác thành lập theo quy định pháp luật về hội, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Cụ thể, Nghị định 63 quy định:

  • Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng;
  • Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên;
  • Phạt tiền từ 50-60 triệu đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô công.

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định trên sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn.

Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu thì phải trả bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu.

Tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn.

Đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, sử dụng trụ ở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô vào mục đích đưa đón người có chức danh không có tiêu chuẩn từ nơi ở đến nơi làm việc, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân, Nghị định 63 cũng quy định phạt tiền từ 1-20 triệu đồng, tùy từng trường hợp. Trong đó, nếu giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này là 1 năm. Với các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản có kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Nghị định 63 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

Tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây liên quan đến vấn đề mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cho thấy một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán có số xe ô tô vượt định mức so với quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg.

Theo báo cáo, Bộ NN&PTNT có 101 xe dùng chung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 95 xe.

Một số bộ ngành thanh lý xe khi chưa đủ thời gian quy định như: Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thanh lý 3 xe sử dụng từ năm 2007 đến 2012; Viện Môi trường Nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) 1 xe sử dụng từ 2003.

Báo cáo cũng chỉ ra một số địa phương được kiểm toán sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức như:

TP. Hà Nội 57 xe ô tô; tỉnh Trà Vinh (Trường trung cấp VHNT&TT 01 xe ô tô); Ninh Bình (Chi cục Kiểm lâm 03 xe); Tiền Giang (huyện Cái Bè 03 xe); Kon Tum 04 xe; Thái Bình (Văn phòng HĐND và UBND huyện Quỳnh Phụ 01 xe; Văn phòng HĐND và UBND huyện Vũ Thư 01 xe; Văn phòng Sở NN và PTNN 01 xe); Hà Nam (UBND và HĐND TP. Phủ Lý 01 xe ô tô); Quảng Ngãi (Sở GD&ĐT 01 xe); Thanh Hóa (Văn phòng Sở GTVT 03 xe; Trường Đại học Hồng Đức 01 xe; Văn phòng HĐND và UBND huyện Nông Cống 01 xe; Văn phòng HĐND và UBND huyện Hà Trung 01 xe; Văn phòng HĐND và UBND huyện Yên Định 04 xe); Đắk Nông (Ủy ban mặt trận tổ quốc 01 xe).

Phạm Toàn

Xem thêm: