Theo Điều 86 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

chu tich nuoc
Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Việt Nam.

Nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu Nhà nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Chủ tịch nước công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

Chủ tịch nước có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốchội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;

Chủ tịch nước có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSND tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;

Ngoài ra, người đứng đầu Nhà nước có thẩm quyền quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

Cũng theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có thẩm quyền công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Chủ tịch nước có thẩm quyền tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết địnhcử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCH Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCH Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.

Chủ tịch nước có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.

Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Tổng Bí thư là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quyền hạn khác theo quy định của Đảng. Hiện nay, Tổng Bí thư cũng kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng.

Về trách nhiệm và quyền hạn, Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; chủ trì công việc thường nhật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vu Quân ủy Trung ương; thi hành thẩm tra việc tuân thủ Điều lệ Đảng, cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng,… trong các tổ chức cơ quan của Đảng.

Kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng bí thư có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo những vấn đề về quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trung ương.

Kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Tổng bí thư có thẩm quyền thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký các chiến lược, nghị quyết, quyết định, kết luận… ra thông tri, hướng dẫn, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ký các quyết định chuẩn y chức danh, các quyết định điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nghỉ hưu đối với các nhân sự do Ban chấp hành Trung ương Đảng quản lý.

Tổng bí thư có thẩm quyền thảo luận với Ban Chấp hành Trung ương thành lập, giải thể các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng quản lý.

Theo thông tin do ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương công bố năm 2016, tổng số đảng viên của ĐCS Việt Nam là hơn 4,65 triệu người.

Nguyễn Quân

Xem thêm: