Với bình quân gần 1.000 người/ngày nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự kiến có khoảng 10.000 người sẽ từ các “điểm nóng” dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) về nước. 

covid-19, bệnh nhân 52
Phong tỏa nơi cư trú của bệnh nhân 52, tại khu 4B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, chiều tối 14/3. Bệnh nhân từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 ngày 9/3. (Ảnh: Gia Huy)

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội, chiều 19/3, ông Chung cho biết do tình hình dịch bệnh ở một số nước thuộc châu Âu, Mỹ và cả khối ASEAN đang có diễn biến phức tạp nên họ đóng cửa không cho nhập cảnh, xuất cảnh, nhưng vẫn cho công dân nước ngoài trở về. Vì vậy, không loại trừ những ngày tới Hà Nội vẫn phải tiếp nhận rất nhiều người về qua sân bay Nội Bài.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết hiện bình quân sân bay Nội Bài phải tiếp nhận từ 600-800 người/ngày, ngày cao điểm lên đến 1.000 người về từ tuyến bay quốc tế. Với tình hình này, những ngày tới TP Hà Nội phải giám sát, cách ly khoảng 10.000 người từ nước ngoài trở về, ông Chung dự kiến.

Ông Chung cho biết những người từ nước ngoài về hiện đang được đưa vào khu cách ly tập trung là để phòng ngừa dịch bệnh, vì họ có nguy cơ cao, chứ chưa phải là các trường hợp đã dương tính với virus Vũ Hán (nCoV).

Hiện TP đã quyết định trưng dụng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), khu nhà ở sinh viên tại phường Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) và trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội làm khu cách ly tập trung với sức chứa cho khoảng 7.600 người.

Khu nhà ở sinh viên tại phường Mỹ Đình II gồm 3 tòa nhà 21 tầng, tổng cộng 840 phòng, có thể đáp ứng chỗ ở cho tối đa 4.800 người cách ly tập trung.

Tòa nhà tại khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp có quy mô gồm 19 tầng, tổng cộng 252 phòng, có thể làm chỗ lưu trú tập trung dành cho 2.000 người. TP Hà Nội dự kiến tầng 1 tòa nhà làm phòng nấu ăn; tầng 2 và 3 tòa nhà làm khu cho cán bộ, nhân viên phục vụ; còn từ tầng 4 đến tầng 19 làm khu cách ly tập trung.

Khu cách ly tập trung tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nằm tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm 2 tòa nhà 5 tầng ký túc xá (80 phòng), dự kiến dành cho 800 người cách ly tập trung.

Ngoài việc cách ly tập trung kể trên, các trường hợp F1 được cách ly trong bệnh viện và các trường hợp F2 cách ly tại nhà. “Trong những ngày tới, TP sẽ dành bệnh viện để tổ chức chữa trị cho các ca dương tính, nên các trường hợp F1 (có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona) có thể chuyển về cách ly tại nhà”, ông Chung nói.

“Dịch bệnh kéo dài đến bao giờ thì chúng ta không biết. Nếu như kịch bản giống như ở Trung Quốc thì chúng ta mới chỉ bước vào tuần thứ 2 thôi. Như vậy, còn phải chiến đấu trong khoảng 10 tuần nữa, để xác định sức chúng ta đi đến đâu” – người đứng đầu TP nói.

Ông Chung khuyến cáo tất cả các cửa hàng (trừ cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị) nên đóng cửa trong thời điểm hiện tại, người dân nếu không có việc gì thì cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt đến hết ngày 31/3.

Cũng trong ngày 19/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: “Hai tuần sắp tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng”.  

Ông Bỉnh cũng cho biết TP.HCM đã triển khai gần 24.000 giường cách ly, trong đó quận huyện gần 800 giường; các khu cách ly tập trung đặt ở các cửa ngõ TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị từ nay đến cuối tháng 3, các cơ quan phải nắm được tổng số các chuyến bay đưa người Việt từ các vùng dịch trở về TP.HCM, trong đó bao nhiêu ở TP và bao nhiêu người ở địa phương khác, mặt khác đề nghị ngành y tế TP có kế hoạch kêu gọi, huy động sinh viên y khoa, các y – bác sĩ về hưu tham gia ngăn ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán.

Nguyễn Sơn