7,26 ha rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý phá bỏ, lấy đất phục vụ dự án hệ thống hồ chứa nước, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Ninh Thuận.

suoi kien kien
Nước từ suối Kiền Kiền, một điểm du lịch nổi bật của Vườn Quốc gia Núi Chúa sẽ bị chặn để dẫn về hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền? (Ảnh: ninhthuan.gov.vn)

Văn bản chấp thuận do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng vào ngày 31/10/2020, số hiệu Công văn số 1509/TTg-NN.

7,26 ha rừng đặc dụng bao gồm 0,87 ha rừng tự nhiên và 6,39 ha rừng trồng, thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận). Số diện tích rừng này sẽ được chuyển mục đích khác để thực hiện dự án Hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền.

Theo văn bản chấp thuận, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về tính chính xác số liệu, nội dung báo cáo và các đề xuất, kiến nghị.

Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa…

Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng nêu trên.

Hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền (huyện Thuận Bắc) là một trong 4 dự án thủy lợi quy mô của tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017- 2020. Mục tiêu của dự án, theo công bố, là nhằm khai thác nguồn nước từ suối Kiền Kiền, cho nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi của khu vực, cải tạo khí hậu tiểu vùng và môi trường sinh thái khu vực.

Hai hạng mục chính của dự án gồm Cụm công trình Kiền Kiền, gồm đập dâng (dài 121,4m, cao trình đỉnh đập +155,5 m, bề rộng đỉnh đập 3,5m, chiều cao đập lớn nhất 20,5m), tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh chuyển nước và Cụm công trình Lợi Hải, gồm đập đất (chiều dài 482,63m, cao trình đỉnh đập +51,5m, bề rộng đỉnh đập 6,0m, chiều cao đập lớn nhất 20,5m), tràn xả lũ, cống lấy nước, hệ thống kênh.

Ngoài ra là các công trình phụ trợ như nhà quản lý, hệ thống điện trung áp và trạm biến áp, đường thi công kết hợp quản lý, đường tránh ngập.v.v…

Tổng mức đầu tư dự kiến 254,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương.

Tại tờ trình do UBND tỉnh Ninh Thuận gửi Bộ NN-PTNT, đề nghị xin Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, dự án có tổng diện tích sử dụng 86,85 ha, trong đó 74,52 ha đất ngoài lâm nghiệp, 12,33 ha rừng đặc dụng (thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa).

Ba dự án thủy lợi cùng giai đoạn 2017-2020 của tỉnh Ninh Thuận gồm:

Dự án hồ chứa nước Sông Than (huyện Ninh Sơn): Dung tích 85 triệu m3, tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, mục tiêu tạo nguồn nước tưới, nước sinh hoạt.

Dự án Thu trữ nước dưới đất: Mục đích nhằm thu trữ một lượng lớn nước dưới đất vào mùa mưa để dùng sinh hoạt, tưới nông lâm nghiệp trong các tháng mùa khô. Quy mô đầu tư gồm xây dựng các công trình thu giữ nước dưới đất và trồng rừng/cây ăn quả. Tổng mức đầu tư dự kiến 105,592 tỷ đồng.

Dự án Hệ thống thủy lâm kết hợp để phòng chống hoang mạc hóa: Quy mô đầu tư gồm xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi, trồng 550 ha rừng. Tổng mức đầu tư dự kiến 241,686 tỷ đồng.

Nguyễn Minh

Xem thêm: