Nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội dự kiến từ này đến năm 2030 sẽ tổ chức thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt… Tuy nhiên, chuyên gia giao thông cho rằng dự án buýt nhanh BRT hiện đang hoạt động không hiệu quả, nếu làm thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt thì sẽ “rất tốn kém, cần nghiên cứu kỹ”.

tuyen brt ha noi
Chuyên gia giao thông cho rằng hiện dự án BRT hiện đang hoạt động không hiệu quả, nếu làm thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt thì sẽ “rất tốn kém, cần nghiên cứu kỹ”. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố ưu tiên triển khai “14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt” nhằm cải thiện điều kiện vận hành, nâng cao năng lực vận chuyển, góp phần thu hút hành khách sử dụng dịch vụ, từ đó giúp giảm phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông. “Đây không phải là mô hình BRT mà chỉ là làn đường ưu tiên cho xe buýt ở những đoạn tuyến nhất định, không phải toàn tuyến”, phía Hiệp hội cho hay.

Với đề xuất trên, giới chức TP. Hà Nội cho rằng từ những ưu điểm của tuyến buýt nhanh BRT, thành phố sẽ đánh giá, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn; làn đường ưu tiên phù hợp công tác tổ chức giao thông.

Tuy nhiên, GS.TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng dự án BRT hiện đang hoạt động không hiệu quả, nếu làm thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt thì không hiểu sẽ ra sao.

“Vì đầu tư cho tuyến BRT đã hàng nghìn tỉ đồng, nếu đầu tư thêm 14 tuyến dành riêng cho xe buýt nữa thì sẽ tốn kém rất nhiều”, ông Đào nói trên báo Lao Động.

Ông cũng nói thêm Hà Nội đánh giá sản lượng hành khách trên tuyến BRT có xu hướng “ổn định trở lại sau dịch COVID-19”… là “chủ quan, phiến diện”. “Đánh giá không sát với thực tế vì hiện vào các khung giờ cao điểm xe buýt BRT không thể đi được do các phương tiện khác xung đột nhau vì bị lấn đường, cản trở giao thông. Hà Nội cần có trưng cầu ý kiến của người dân về tuyến BRT này trước khi đưa ý kiến đánh giá phiến diện”, ông cho hay.

Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã – Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, đến cuối năm 2016 mới bắt đầu khai thác. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện… là hơn 1.100 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT có nhiều sai phạm, lãng phí, đội giá.

Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 7/2021 cho thấy việc đầu tư buýt nhanh BRT chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật; xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị, việc Hà Nội nâng cấp mạng lưới giao thông đô thị của thành phố là đúng. Tuy nhiên, hiện nay người dân Hà Nội chưa mặn mà với phương tiện giao thông công cộng, tỉ lệ người dân tham gia thấp chưa đáp ứng được việc nâng cao hiệu quả của giao thông công cộng.

“Khi xe buýt chưa được đánh giá đúng hiệu quả đối với người dân. Đồng thời chưa được nâng cao chất lượng, chưa đảm bảo hoạt động đúng quy định thì rất dễ giống như BRT hiện nay. Đó là vừa lãng phí phương tiện tham gia giao thông lại gây thêm ùn tắc, gây thêm tai nạn và gây khó khăn cho phương tiện giao thông cá nhân…

Cho nên các phương pháp đưa ra phải đồng bộ, có lộ trình, nghiên cứu kỹ và phải thực nghiệm trước, đặc biệt là phải xây dựng thói quen đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng của người dân thì chúng ta sẽ tiến hành những tuyến đường dành cho xe buýt”, ông Thủy nói trên báo Dân Việt.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự; Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công và tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn 2026 đến 2030, thành phố sẽ có thêm 5 tuyến đường được nghiên cứu, tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nhổn – Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi – Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng – Hòa Lạc; Mỹ Đình – sân bay Nội Bài; Thường Tín – Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ.

Kim Long

Xem thêm:

Hết miễn phí, tuyến Cát Linh – Hà Đông ‘vắng khách’ sau 2 ngày bán vé