Nhận cuộc gọi lạ, một phụ nữ tại TP Đà Nẵng làm theo hướng dẫn tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về khai báo. Ngay sau khi điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản của chị bị trừ liên tiếp, tổng cộng mất hơn 1 tỷ đồng.

mao danh cong an lua dao qua dien thoai
Nhiều nạn nhân do sợ hãi trước những đe dọa từ các cuộc gọi mạo danh, nên mất tài sản nhiều tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Fizkes/Shutterstock)

Khi nỗi sợ làm mất lý trí  

Người phụ nữ tại Đà Nẵng kể trên không phải trường hợp duy nhất bị lừa tiền bằng chiêu lừa đảo “điều tra viên”, “dính án ma túy, rửa tiền” qua các cuộc điện thoại. Nạn nhân bị đánh vào tâm lý hoang mang, sợ hãi mà làm theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hoặc vào các link lạ chuyển tiền, dẫn tới mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng, tối 5/8, Công an phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết vừa tiếp nhận trình báo của chị N.T.H.T (SN 1983, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về việc bị lừa đảo qua mạng mất hơn 1 tỷ đồng.

Theo trình báo, chiều 4/8, chị T. nhận được cuộc gọi từ số 02471098935, thông báo chị T. liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại giao lộ đường Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương.

Chị T. trả lời không biết gì đến vụ việc trên thì người gọi yêu cầu chị T. giữ máy để chuyển cuộc gọi đến cho “Công an TP Đà Nẵng”.

Sau khi chuyển máy, một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy chứ không phải tai nạn giao thông và hướng dẫn chị tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về để khai báo.

Chị T. làm theo hướng dẫn, tải và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm vừa tải. Sau đó, trong khoảng từ 17h17 đến 20h20 cùng ngày, tài khoản ngân hàng của chị T. bị trừ 7 lần với số tiền tổng cộng là 1,042 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận, vụ việc được Công an phường Thanh Khê Tây chuyển đến Công an quận Thanh Khê thụ lý, tiếp tục điều tra.

Tại TP.HCM, cùng ngày 5/8, Công an quận 12 cho biết đã tiếp nhận trình báo của ông M.X. Đ (ngụ quận Gò Vấp, làm việc tại quận 12, TP.HCM) về việc bị lừa mất hơn 1,8 tỷ đồng sau khi nhận các cuộc gọi lạ.

Theo trình báo, trưa 9/7, ông Đ. nhận được cuộc gọi lạ, tự xưng là tổng đài báo số điện thoại của ông Đ. sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 giờ nữa. Ông Đ. lo lắng, làm theo hướng dẫn. Người đầu dây kia tiếp tục nói số điện thoại của ông Đ. bị một đối tượng lấy đăng ký để đi lừa đảo, nếu ông Đ. muốn tìm hiểu thì để tổng đài nối máy cho phía công an. Ông Đ đồng ý.

Một người xưng là điều tra viên Công an TP Đà Nẵng nói ông Đ. liên quan đên chuyên rửa tiền và buôn bán ma túy. Người này còn nói ông Đ. có mở một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng, yêu cầu ông Đ. đem CCCD lên Công an TP Đà Nẵng làm việc. Khi ông Đ. hoang mang nói không thể đi được, “điều tra viên” này nói sẽ tạo điều kiện để ông Đ. làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu ông Đ. chụp hình CCCD, cung cấp số tài khoản, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng… gửi qua Zalo để “công an kiểm tra, xác minh”.

Sau khi gửi hình CCCD, ông Đ. nhận được 1 đường link, họ yêu cầu ông Đ. bấm vào đường link rồi làm theo hướng dẫn, không được nói với bất kỳ ai vì… vụ án đang trong quá trình điều tra. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ. chuyển tiền vào tài khoản mang tên ông mà người này vừa hướng dẫn cài đặt “để kiểm chứng, chứng minh trong sạch”.

Khi ông Đ. hết tiền, “điều tra viên” gợi ý lấy tiền của vợ. Ông Đ. đã nói dối vợ để lấy 300 triệu chuyển vào tài khoản “của mình”. Sau khi chuyển tiền nhiều lần, tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng và tiếp tục bị ép, đe dọa gửi thêm, ông Đ. mới nghi ngờ bị lừa.

Tại Huế, bà P.T.H.P (SN 1964, trú phường An Cựu, TP Huế) trình báo Công an TP Huế đã bị lừa mất 1,3 tỷ đồng sau khi nhận điện thoại từ những “công an, cán bộ ngân hàng”, bị dọa liên quan đến tội phạm ma túy, rửa tiền.

Theo đơn trình báo, vào khoảng 11h ngày 7/7, bà P. nhận được điện thoại từ các số điện thoại: 08163911xx, 08997203xx, 07021797xx của một số người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ công an thuộc Bộ Công an.

Những người này yêu cầu bà P. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền đang gửi tại các ngân hàng. Sau khi bà P. làm theo, những người này nói bà P. có liên quan đến một vụ án “ma túy và rửa tiền”, đe dọa sẽ thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với bà P. khiến bà P. lo sợ.

Bà P. được yêu cầu không để lộ thông tin với bất kỳ ai, kể cả người nhà, rồi chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm để “công an, cán bộ ngân hàng” quản lý trong quá trình điều tra, tránh việc tẩu tán; nếu bà P. không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển trả lại tiền.

Bà P. hoảng sợ, ra ngân hàng rút toàn bộ 1,3 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm chuyển vào 3 tài khoản của các ngân hàng khác nhau do các đối tượng cung cấp. Sau khi nhận được tiền của bà P, các đối tượng gọi điện yêu cầu bà P. ở yên trong phòng, không được nói cho ai biết sự việc. Sau đó, bà P. mới nhận ra mình bị lừa.

Hiện Công an TP Huế đang phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm Công nghệ cao – Công an tỉnh TT-Huế xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.

Tại Hà Nội, ngày 3/7, cụ bà tên H. (SN 1938, ngụ phường Thổ Quan, quận Đống Đa) trình báo công an phường đã bị lừa mất 1,2 tỷ đồng.

Bà H. nhận được cuộc điện thoại của một người lạ, tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng cụ bà liên quan đến một vụ án ma túy. Thấy bà H. lo sợ, đầu dây bên kia nói bà H. chuyển tiền để chứng minh mình không liên quan đến vụ việc. Sau đó, bà H. đã chuyển 1,2 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp.

Khi nghi ngờ mình bị lừa, bà H. đã đến công an trình báo.

Mạo danh qua điện thoại – Chiêu cũ, thủ đoạn mới 

Tháng 9/2020, Bộ Công an phát thông tin cảnh báo, cho hay hình thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại của người lạ mạo danh cán bộ công an, cán bộ tư pháp… xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều thủ đoạn tinh vi, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, xuyên quốc gia.

Trong nửa đầu năm 2020, tổng cộng công an cả nước tiếp nhận 776 vụ lừa đảo với số tiền bị lừa lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, phương thức lừa đảo bằng cách mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện… chiếm trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thủ đoạn thường thấy là nhóm tội phạm ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân…; yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi ngân hàng. Sau đó, các đối tượng đe dọa sẽ bắt nạn nhân để điều tra, yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chuyển tiền của chúng nhằm “xác minh, điều tra”.

lua dao qua dien thoai
Đặc điểm nhận dạng của các cuộc gọi lừa đảo là nói nạn nhân liên quan các vụ án hình sự nghiêm trọng, yêu cầu không được báo tin cho bất kỳ ai, kể cả người thân. (Ảnh minh họa: Bits And Splits/Shutterstock)

Với các trường hợp vừa bị lừa trong tháng 7, tháng 8 nêu trên, thủ đoạn của nhóm lừa đảo đã nâng cấp lên, như yêu cầu tải phần mềm “ứng dụng bảo mật”, lập tài khoản mang tên mình theo đường link được gửi…, thay vì yêu cầu chuyển tiền để xác minh. Khi thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng bị lộ, số tiền của nạn nhân bị đánh cắp.

Đặc điểm chung là nạn nhân cùng bị thông báo liên quan các vụ án “ma túy và rửa tiền”, yêu cầu làm theo hướng dẫn “để xác minh, chứng minh trong sạch”. Các nạn nhân bị gây tâm lý hoang mang, lo sợ từ đó làm theo yêu cầu.

Về chiêu thức này, cơ quan công an xác nhận “tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội”.

“Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.” – Bộ Công an nêu rõ tại thông tin cảnh báo hồi tháng 9/2020.

Cơ quan công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Người dân tuyệt đối không nên cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND (CCCD), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài…, người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Trường hợp nghi ngờ là lừa đảo cần báo cho cơ quan công an gần nhất.

Sơn Nguyên