Người dân muốn vào TP. Hà Nội phải có kết quả test nhanh hoặc RT-PCR âm tính trong thời gian quy định, giấy tờ tùy thân và khai báo y tế…

chot kiem dich covid 19
Công an đang làm việc tại chốt kiểm soát dịch số 1 ở Cầu Giẽ (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 13/10, Hà Nội đã ban hành công điện số 21 nới lỏng nhiều hoạt động, dịch vụ, nhưng không đề cập việc tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ hay sẽ dỡ bỏ.

Hôm 14/10, chốt kiểm soát dịch COVID-19 cửa ngõ Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn hoạt động. Những xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân, không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do cảnh sát giao thông phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19, sau đó vào chốt khai báo y tế.

Tại chốt trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, việc kiểm soát giấy đi đường vẫn được thực hiện chặt. Một trường hợp nhà ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết do cần ra khỏi Hà Nội để đón con, sau khi đã tiêm 2 mũi vắc-xin, đã xét nghiệm PCR nhưng vẫn không đủ điều kiện qua chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vì thiếu giấy đi đường.

Ghi nhận ở các chốt kiểm soát, khá nhiều người dân bày tỏ ý kiến về việc kiểm soát giấy đi đường ở thời điểm này là không cần thiết. Các chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giữ kiểm soát bằng giấy đi đường ở 22 chốt hiện nay là bất cập, làm khó người dân.

Đặc biệt, với chiều ra khỏi Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát chỉ nên dừng ở điều kiện xét nghiệm PCR âm tính trong 72h và tiêm vắc-xin, còn người dân đi tới đâu thì theo quy định về kiểm soát dịch của địa phương đó.

Báo Vietnamnet dẫn lời PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội quá dè dặt. TP nên nới rộng các hoạt động cho mọi người.

“Còn nếu vẫn như hiện nay thì sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là việc đi học của học sinh và giao lưu công việc của mọi người”, ông Nga nói và đề nghị Hà Nội nên cho phép ăn uống ngoài trời, chỉ cần khuyến cáo người dân giữ khoảng cách…

Ông cũng đề xuất Hà Nội nên để trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 – 18 tuổi.

Trước đó, Hà Nội ra quy định cách ly 7 ngày đối với người trở về từ TP.HCM. Tuy nhiên, do nhiều chuyên gia và dư luận phản đối, Hà Nội đã phải hủy bỏ.

Sau đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền cơ sở quản lý chặt, có thể đặt biển “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19” trước nhà người về từ TP.HCM, Đà Nẵng.

Minh Long

Xem thêm:

Hà Nội đề xuất ‘giám sát chặt, treo biển trước cửa nhà người về từ TP.HCM, Đà Nẵng’