Một Việt kiều Mỹ tố cáo và đòi bồi thường hơn 5 tỷ đồng vì bị mất thị lực mắt phải sau khi bị tia laser chiếu vào mắt khi điều trị nám, tàn nhang, tại cơ sở Abisalab Clinic (quận 1, TP.HCM).

co so tham my bi to lam mu mat benh nhan bi dinh chi hoat dong 18 thang
Cơ sở Abisalab Clinic – nơi xảy ra sai phạm về dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép. (Ảnh: Abisalab clinic/Facebook)

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ngày 6/1 cho hay đơn vị này vừa tiến hành kiểm tra và củng cố hồ sơ để xử lý cơ sở Abisalab Clinic (28/11A Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM).

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng chính quyền địa phương xử phạt bà Nguyễn Thị Băng Châu – chủ cơ sở kinh doanh Abisalab Clinic về hành vi Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Số tiền phạt là 45 triệu đồng và quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở này trong thời hạn 18 tháng.

Ngoài ra, bà Thiều Thanh Hồng Trúc – nhân viên Chăm sóc da tại cơ sở Abisalab Clinic bị phạt 35 triệu đồng về hành vi Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đơn tố cáo, chị Võ Thị Trà M. (SN 1992, quê ở tỉnh Đắk Lắk, Việt kiều Mỹ) cho biết vào ngày 28/8/2022, được người quen giới thiệu, chị đã tìm hiểu, liên hệ với bác sĩ Huỳnh Ngọc Huy, làm việc tại Abisalab Clinic để chiếu laser trị nám, tàn nhang trên mặt. Ngày 30/8, theo lịch hẹn, chị M. đến Abisalab Clinic để bác sĩ Huy trực tiếp thăm khám và trị liệu theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, hôm đó bác sĩ Huy bị ngộ độc thực phẩm nên điều nhân viên Thiều Thanh Hồng Trúc thay thế.

Chị M. cho biết trong quá trình trị liệu, nhân viên của cơ sở không dùng các biện pháp bảo hộ như kính hoặc vải che mắt cho chị. Nhân viên sử dụng tia laser chiếu vào vùng da bị nám, tàn nhang để làm thay đổi màu sắc da trên mặt chị. Khi chị mở mắt nhìn chồng nằm giường bên cạnh thì bị tia laser chiếu vào mắt phải khiến thị lực mắt phải của chị My bị ảnh hưởng trầm trọng, tầm nhìn bị mờ ngay lúc đó.

Chị M. cho hay có thông báo với bác sĩ và nhân viên về tình trạng mắt thì được cho biết tia laser không ảnh hưởng gì. Chị được hướng dẫn rửa nước muối và nhỏ mắt hàng ngày để tránh khô mắt và vài ngày sau mắt sẽ trở lại bình thường.

Vài ngày sau, mắt chị vẫn không hết mờ và đã đến thời hạn chị phải quay về Mỹ. Ngày 31/8, chị trở về Mỹ, thấy mắt có dấu hiệu trở nặng, chị đi khám, bác sĩ ở Mỹ kết luận mắt phải của chị bị “sẹo màng đệm do tai nạn da liễu, laser”. Chị báo về Abisalab Clinic và được yêu cầu trở lại Việt Nam để kiểm tra lại và điều trị cho chị.

Ngày 23/9, chị về lại Việt Nam và đến Bệnh viện Mắt tại TP.HCM để thăm khám cùng với đại diện của Abisalab Clinic. Kết luận của bệnh viện là thị lực mắt phải của chị chỉ còn 1/10, chẩn đoán “mắt phải có sẹo do tổn thương PRE/Laser”, kết luận “mắt phải tiên lượng xấu, khả năng hồi phục thị lực thấp”.

Cho rằng hoạt động khám và trị liệu da liễu tại Abisalab Clinic có dấu hiệu vi phạm quy định nghiêm trọng, có khả năng chưa đủ điều kiện hoạt động cũng như có khả năng chưa được cấp phép khám, chữa bệnh, trong đó có dịch vụ điều trị laser mà chị My sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng khiến mắt chị bị mất thị lực.

Việc chị bị hỏng mắt vì sai sót của Abisalab Clinic, chị My yêu cầu phía cơ sở này phải bồi thường về những tổn thất tinh thần và vật chất trong cuộc sống tương lai sau này mà chị phải gánh chịu, tổng số tiền bồi thường là 5,165 tỷ đồng.

Nói trên Vnexpress ngày 26/10, bác sĩ Huy cho biết ông có chứng chỉ ứng dụng laser trong thẩm mỹ nhưng hiện không làm việc cho bệnh viện hay phòng khám da liễu nào, công việc chính của ông là đào tạo nhân viên cho các cơ sở thẩm mỹ mời hợp tác. Chị M. mong muốn được ông điều trị tàn nhang bằng laser thông qua giới thiệu của người nhà nên ông đã đặt lịch hẹn làm vào ngày 30/8.

Trong khi đó, phía Abisalab Clinic cho hay cơ sở này không phải bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu được cấp phép điều trị mà chỉ là cơ sở chăm sóc da thông thường và kinh doanh mỹ phẩm. Dịch vụ laser sử dụng cho chị M. không nằm trong các dịch vụ tại Abisalab Clinic. Bác sĩ Huy quen biết chủ cơ sở Abisalab nên mượn máy có sẵn tại đây để tiến hành laser cho chị M.

Còn nhân viên thực hiện chiếu laser cho chị My không phải là bác sĩ và không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ứng dụng laser, là học trò lâu năm của bác sĩ Huy nên biết cách vận hành và sử dụng máy laser.

Người này giải thích khi chị M. ôm mắt phải ngồi dậy nói bị tia laser chiếu vào mắt, thời điểm đó máy chỉ có tia dẫn màu đỏ chứ không bắn ra tia laser.

Do hai bên không đi đến thỏa thuận chung nên chị My đã gửi đơn phản ánh sự việc đến Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu làm rõ.

Thạch Lam