Ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, được bầu làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh ở độ tuổi 36.

ông Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và con trai là Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Nhân Chinh.

Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh, hôm 22/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tờ Dân Việt cho biết, ông Nguyễn Nhân Chinh sinh năm 1984, quê xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục, vào Đảng năm 2011.

Người tiền nhiệm ông Chinh giữ chức Bí thư Thành ủy là ông Vương Quốc Tuấn. Ông Tuấn được chuyển sang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

Ông Vương Quốc Tuấn cũng từng nhiều năm công tác tại Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, từng giữ chức Bí thư Tỉnh Đoàn. Năm 2015, ở tuổi 38, ông Tuấn được giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Như vậy, Bắc Ninh có tân Bí thư Thành ủy ở độ tuổi 36. Ông Nguyễn Nhân Chinh được biết tới là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh.

Hồi năm 2016, dư luận xôn xao khi có nhiều đơn tố cáo về việc ông Nguyễn Nhân Chiến bổ nhiệm “cả họ làm quan, không từ một ai”, phải kể đến như: vợ, con trai, con dâu, em ruột, em dâu, em rể, anh con bác ruột, cháu dâu, cháu ruột, trưởng họ nhà ông Chiến, rồi phía gia đình thông gia,…

Từ việc này, hồi năm 2017, ông Chiến đã đề nghị chỉ nên tiếp nhận đơn tố cáo bằng đơn và gửi trực tiếp, không nên bổ sung hình thức gửi qua fax hay email, “tránh tình trạng lợi dụng các hình thức mới này để bôi nhọ, hạ thấp, nói xấu, xuyên tạc hình ảnh của tổ chức, cá nhân”.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, với mục đích hạ thấp uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân. Đưa đơn lên mạng rất phức tạp, người bị tố cáo chịu ảnh hưởng mặc dù nội dung chưa chắc đúng, nhưng cứ đồn đại từ quê hương, bạn bè, gây nên nghi ngờ. Do đó cần quản lý, không được đưa đơn tố cáo lên trang cá nhân, đưa lên là vi phạm“, ông Chiến nói và cho rằng, trên trang mạng cá nhân chỉ có thể nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, bày tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cơ quan, đơn vị.

Trước ý kiến này, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm, không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, email, điện thoại. Theo ông, ban soạn thảo chưa phân tích sâu và phân biệt rõ điều này nên mới coi việc truyền tin qua fax, email, điện thoại không phải là văn bản.

“Xét về bản chất, thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất. Văn bản ở đây không nên hiểu chỉ là văn bản gốc, mà cần phải thừa nhận cả những văn bản được truyền qua fax, email và điện thoại”, ông Vân nói và nhận định trong thời đại công nghệ số thì không thể không thừa nhận các hình thức giao dịch điện tử.

Trước đó, hồi năm 2015, khi còn giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm từng phát ngôn rằng: “Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”.

Minh Long