Từ sáng 4/9, Công an TP Hà Nội đã tăng thêm 39 chốt trực tại các tuyến đường ra/vào vùng 1 (“vùng đỏ”), bắt đầu kiểm tra giấy đi đường. Cùng lúc, cơ quan này gấp rút triển khai việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR Code, truyền thông trong nước đưa tin.

hanoi giay di duong
Người và phương tiện trên đường Cầu Diễn bị chặn kiểm tra lý do ra đường, sáng 4/9/2021. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 3/9, UBND TP Hà Nội công bố sau đợt giãn cách lần thứ ba, từ ngày 6/9, Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, tiếp tục phong tỏa theo các mức độ Chỉ thị 15, trên Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, dự kiến kéo dài trong 15 ngày.

Cùng ngày, Công an TP Hà Nội phát văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã… yêu cầu chuẩn bị các điều kiện trong việc triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện qua mã QR Code.

Theo dự kiến, quy trình cấp giấy có mã QR như sau:

Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực; cảnh sát khu vực thẩm định và chuyển lên cán bộ xã, phường, thị trấn.

Cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin do công an thẩm định, nhập đăng ký. Hệ thống sẽ gửi email xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp.

Tổ chức, doanh nghiệp gửi email danh sách cán bộ, công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan cho cán bộ xã, phường, thị trấn.

Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách trên. Trường hợp không được duyệt, hệ thống sẽ gửi mail thông báo lại. Trường hợp duyệt, cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ gửi giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.

Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp; từ đây, tổ chức, doanh nghiệp phát cho cán bộ, công nhân viên.

Các cá nhân đăng ký thông tin với cảnh sát khu vực của xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối.

Nếu được duyệt, cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ gửi lại giấy đi đường cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Sau đó, cảnh sát khu vực đưa giấy đi đường đã duyệt, đóng dấu cho cá nhân đăng ký.

Ngoài ra, việc cấp thẻ đi chợ, siêu thị được thực hiện như sau:

Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo khu vực quản lý, sau đó gửi danh sách này cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối.

Cán bộ xã, phường, thị trấn sau đó chuyển thẻ đi chợ đã duyệt cho công an để công an đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận thẻ đã đóng dấu gửi lại cho đại diện hộ gia đình.

Chỉ 6 nhóm được đi trên đường từ ngày 6/9

Tại cuộc họp báo chiều 3/9, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết dự kiến có 6 nhóm được cấp giấy đi đường từ ngày 6/9, gồm:

Nhóm 1: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết (quy định tại Chỉ thị 16).

Các cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Nhóm 2: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.

Nhóm 3: Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ tại các quận, huyện, thị xã.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông; người trực cơ quan.

Nhóm 5: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vắc-xin và xét nghiệm COVID-19), người chăm sóc người bệnh và người xuất viện: Chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Người đi mua lương thực thực phẩm: Bắt buộc phải có giấy đi chợ do công an phường, xã, thị trấn cấp. Người đi ra sân bay có vé, người đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, người đến tòa theo giấy triệu tập của tòa cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Trong đó, với nhóm 1, 3 , 4, 5, tổ chức/cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực (trừ trường hợp ngoại lệ trong nhóm 5) để được cấp giấy đi đường; nhóm 2, 6 gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng…), từ đó chuyển hồ sơ qua công an để cấp giấy đi đường.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Vùng 1 tại Hà Nội: Người dân dùng phiếu mua hàng 2 lần/tuần, chỉ ship nội quận/huyện