Tính đến chiều ngày 12/6, công an tỉnh Bình Thuận còn tạm giữ 107 người; đồng thời, cơ quan này sẽ khởi tố để điều tra vụ việc.

binh thuan
Hình ảnh tại trụ sở Công an tỉnh Bình Thuận, ngày 11/6 khi bức xúc của người dân bị đẩy lên cao. (Ảnh chụp video)

Ngày 12/6, đại tá Nguyễn Văn Nhiều – Trưởng phòng Tham mưu kiêm Người Phát ngôn công an tỉnh Bình Thuận cho biết hiện địa phương đã ổn định trở lại sau vụ người dân ra đường biểu tình trong 3 ngày (10-12/6).

Đồng thời, cơ quan công an Bình Thuận sẽ khởi tố để điều tra vụ việc.

Trước đó ngày 10/6, tại nhiều tỉnh thành từ Hà Nội tới Sài Gòn, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình với băng rôn, biểu ngữ có nội dung “phản đối luật đặc khu, luật an ninh mạng”.

Riêng tại tỉnh Bình Thuận, Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa bị tắc nghẽn nhiều giờ từ sáng ngày 10/6 tới khoảng 0h00 sáng ngày 11/6. Trong đêm 10/6, trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận (đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Phan Thiết) bị nhiều người quá khích tràn vào, đập phá. Trụ sở Sở KH&ĐT Bình Thuận, Sở chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận cũng bị gây hư hại. Cảnh sát dùng đạn khói, vòi rồng để ngăn chặn nhưng không hiệu quả.

Khoảng 20h ngày 11/6, hàng trăm người quá khích đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận ném gạch đá vào bên trong UBND tỉnh. Trụ sở Công an tỉnh Bình Thuận bị phá, nhiều xe bị đốt. Sau khi lực lượng cảnh sát cơ động được tăng cường, đến hơn 23h cùng ngày, đám đông đã giải tán, công an tạm giữ 99 người liên quan để điều tra. Riêng hơn 100 người bị tạm giữ vào đêm 10/6, 94 người đã về; 8 người còn lại tiếp tục tạm giữ để củng cố hồ sơ xử lý.

Như vậy, tính đến chiều 12/6, công an Bình Thuận còn tạm giữ 107 người.

Phạm Toàn

Xem thêm: