Thất nghiệp, suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn sau thời gian dài dưới tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), thì liền sau đó mưa lũ bất thường đổ dồn dập, đẩy người dân miền Trung Việt Nam vào tình cảnh người mất mạng, người trắng tay. 

thuy tien cuu tro mien trung 4
Thủy Tiên ngồi ghe đi trong tỉnh Quảng Bình, nơi ngập nặng nhất trong những ngày qua. (Ảnh: FC Thủy Tiên)

Nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu trợ. Ca sĩ Thủy Tiên Sau một tuần kêu gọi cứu trợ đã nhận được quyên góp hơn 100 tỷ đồng. Nghệ sĩ Hoài Linh sau 24h kêu gọi, đã nhận được hơn 3 tỷ đồng từ nhiều người với lời nhắn nhờ giúp đỡ người miền Trung… Còn hàng trăm cá nhân, nhóm tình nguyện vẫn âm thầm tự quyên góp và kêu gọi quyên góp, lặn lội đến tận nơi (Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…), đưa cơm, sữa, mì, áo phao…, cứu người bị mắc kẹt trong vùng lũ.

Tuy nhiên, nếu dẫn theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn thì các việc làm thiện nguyện trên đều có thể bị xem là phi pháp.

Điều 5 Nghị định 64 quy định chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm:

“1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”

Thông tư số 72/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Bộ Tài chính thậm chí còn đề ra quy định hạn chế ngặt nghèo hơn. Theo thông tư này, có thêm quy định các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ các địa phương, các nạn nhân, gia đình của nạn nhân bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng; không tổ chức phân phối tiền, hàng cho các địa phương, cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được phải giao nộp co Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Nói rộng hơn, xét theo những quy định trên thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của nghệ sĩ Hoài Linh và của nhiều nghệ sĩ, cá nhân khác tại thời điểm này, mà ngay các chùa, các doanh nhân được gửi gắm làm đầu mối để làm từ thiện phục vụ cộng đồng từ trước tới nay, đều trở thành không hợp pháp.
mien trung lu lut
Không ai muốn đói khổ, trắng tay để phải xếp hàng xin nước, xin mì… Người đi tình nguyện cũng không mong phải gặp những cảnh này. (Ảnh: FB Nguyễn Bình Nam)

Về điều này, luật sư Ngô Ngọc Trai (từ Hà Nội) cho hay cần “thúc đẩy tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ”. Viết trên trang Facebook cá nhân, luật sư Ngọc Trai chỉ ra rằng nội dung Nghị định 64 “quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay”.

Ông cho hay: “Hiện nay có rất nhiều người muốn trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu trợ mà không thông qua các đơn vị của nhà nước. Họ muốn trực tiếp thực hiện để cảm nhận được nét đẹp cuộc đời, muốn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, họ muốn thấu cảm được tình người, và muốn được vun đắp phẩm hạnh công dân, và điều đó hoàn toàn chính đáng, cho thấy sự sôi nổi tích cực của đời sống xã hội.”

Việc yêu cầu tất cả các hoạt động cứu trợ đều phải qua tay các đơn vị nhà nước là “gò ép, bắt buộc”.

“Ở các nước khác, hoạt động cứu trợ hầu hết là do xã hội dân sự làm, do hội đoàn tư nhân làm, những người dân có điều kiện khả năng họ kết hợp với nhau làm, nhà nước chỉ tạo lập hành lang pháp lý mà thôi.

Bởi ở các nước họ có quan điểm thu hẹp phạm vi nhà nước, dành nhiều phần không gian cho xã hội dân sự hoạt động, nếu duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ gây tốn kém ngân sách không có lợi cho người dân.” – luật sư Ngô Ngọc Trai (Hà Nội)

Nhà báo Mai Quốc Ấn, người cũng đang thực hiện nhiều dự án cộng đồng, cho hay: “Những người tốt, hành vi tốt có thể vi phạm Nghị định 64/2008 của Chính phủ.”

Làm khó người muốn giúp xã hội tiến bộ sẽ khiến những quy định pháp luật trở thành điều vô lý, cũng tự phơi bày những khiếm khuyết trong tư duy quản trị của nhà cầm quyền.

“Không Chính phủ nào đủ sức phạt toàn bộ nhân dân. Cũng chẳng có thế lực cầm quyền nào đủ sức dập vùi điều tốt trong lịch sử. Nên cái Nghị định không hợp lòng dân, không đúng thực tế cuộc sống kia cần được bãi bỏ và cần có sự khuyến khích các nguồn lực xã hội vì tiến bộ xã hội. Nhìn rộng hơn một nghị định cần bãi bỏ là một thể chế khiếm khuyết cần “chữa trị”.”, ông bày tỏ quan điểm.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hoạt động kêu gọi từ thiện như của Thuỷ Tiên là từ thiện tự phát và không phải tuân theo các quy định của pháp luật, mà được điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức, dẫn theo VTC News.

Ông Cường cho biết hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu, cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức, để giúp về vật chất, tinh thần cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người yếu thế trong xã hội.

Đây là vấn đề đạo đức xã hội và pháp luật cũng ghi nhận, đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra đúng mục đích, đúng ý nghĩa.

Nghị định 64 và Thông tư 72 “đang có những hạn chế nhất định và chưa thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.” – ông Cường nhận định.

“Theo tôi, hoạt động kêu gọi ủng hộ quyên góp cho đồng bào đang gặp khó khăn như nữ ca sĩ Thủy Tiên và một số tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện là rất tốt và phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội nên cần phải phát huy và tạo điều kiện để những hoạt động này được lan tỏa và phát huy những giá trị nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay.

Những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có”, ông Cường nói.

Vì sao thông tin về Nghị định 64 được “lật” lại sau 12 năm ký duyệt? Vì ngày 21/10, trang web của Chính phủ đã đăng bản tin chính thức, trong đó nêu “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008…”.

Với quy định được cho là đi ngược lại quy phạm đạo đức xã hội nói trên thì việc yêu cầu “làm theo đúng quy định”  đồng nghĩa nói lên rằng các việc làm thiện nguyện đang diễn ra là trái luật, mà từ đó có thể gây sợ hãi khiến công chúng dừng chững lại. Điều này có nghĩa gì, giữa lúc hàng vạn người dọc miền Trung vẫn đang chờ được cứu? Đó không chỉ là “trói buộc” hành vi mà còn triệt tiêu tính đạo đức trong xã hội.

Nhưng cần nhớ, từ thiện không chỉ là tiền và hàng cứu trợ. Tiền, hàng cứu trợ chỉ là hiện vật ngoài thân. Nếu không có cái tâm muốn thực sự giúp đỡ nhau thì việc làm nào cũng chỉ là hình thức. Trong thiên tai (hay nhân tai?) đổ dồn, nhiều mạng người đã bị cuốn trôi, bị vùi lấp, trong đó có hàng chục “người của nhà nước”, hàng vạn người đã cùng lặn lội tìm kiếm, hành động đó đâu phải chỉ xuất phát từ mệnh lệnh mà từ sự thôi thúc từ tình người. Ấy cũng là hành vi thiện nguyện giàu giá trị như việc quyên góp, giúp đỡ bằng tiền và hiện vật vậy.

Nhìn rộng hơn một chút, rất nhiều hoạt động của chính quyền hiện nay được tổ chức với sự đóng góp của doanh nghiệp, được gọi chung dưới danh từ “xã hội hóa”. Sự đóng góp của cộng đồng để giúp những nhóm yếu thế trong xã hội, đang thực sự là nguồn vốn trợ giúp cho xã hội phát triển, tăng tính tự chủ và làm giảm khoảng cách xã hội. Có sự khác biệt gì giữa “đóng góp” “xã hội hóa” và sự tình nguyện của cộng đồng? Hay nhất định phải thông qua một tổ chức thuộc Nhà nước hay thuộc Đảng thì hành vi đó mới được coi là việc vì cộng đồng? Nhưng nên nhớ, việc làm có thiện hay không không phải ở việc tuân theo các quy định mà ở việc điều đó có thực sự giúp cải biến được tình cảnh khó khăn đó không? Có thực sự làm vì người khác hay không? Có tránh được bị trục lợi hay không? Và nếu việc đó dần từng bước giúp cải thiện hành vi đạo đức trong xã hội, thì đó là việc cần ngăn chặn hay nên được khuyến khích – mỗi người dân sẽ tự có được câu trả lời.

Xuân Tường

Xem thêm: