Cuối ngày 12/2, Công ty TNHH Viet Glory thông báo chấp thuận tăng 6% lương cơ bản cho khoảng 4.600 công nhân sau 6 ngày hàng nghìn công nhân tại công ty này đình công đòi tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp…

cong ty viet glory
Trước đó, ngày 7/2, khoảng 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã ngừng việc tập thể, đề nghị tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên và một số kiến nghị liên quan đến chế độ phụ cấp cho người lao động cũng như thái độ ứng xử của cán bộ quản lý công ty. (Ảnh: vov.vn)

Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết Công ty TNHH Viet Glory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) đã ra thông báo bổ sung phụ cấp và tăng lương cơ bản cho công nhân sau sự việc gần 5.000 công nhân đình công kéo dài từ ngày 7/2.

Mức điều chỉnh gồm tăng 6% lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên từ ngày 1/2/2022; bổ sung phụ cấp thâm niên cho công nhân làm việc từ một năm trở lên từ tháng 2/2022 với mức 30.000 đồng cho mỗi năm làm việc; từ năm thứ bảy trở đi, phụ cấp thâm niên là 210.000 đồng/tháng.

Thưởng thâm niên sẽ được chi trả nguyên tháng nếu công nhân làm việc đầy đủ trong tháng, ngoại trừ nghỉ phép, thai sản, nghỉ tai nạn lao động, kết hôn, nghỉ tang lễ, nghỉ phép năm, nghỉ phép xưởng, nghỉ lễ, các loại nghỉ phép khác được khấu trừ theo số ngày người lao động xin nghỉ phép (tính theo số ngày làm việc thực tế trong tháng).

Những trường hợp nghỉ việc trong tháng sẽ bị hủy bỏ tiền thưởng thâm niên cuối tháng. Người lao động vào lại nhà máy sau khi thôi việc, thưởng thâm niên sẽ được tính lại từ đầu, không được bảo lưu.

Những ngày công nhân đình công, từ ngày 7 đến ngày 12/2, công ty sẽ tính theo chế độ nghỉ phép.

Cùng với thông báo điều chỉnh lương, phụ cấp, đãi ngộ đối với ngày đình công, Công ty yêu cầu toàn bộ công nhân trở lại làm việc từ ngày 14/2.

Vụ đình công tại Công ty Viet Glory bắt đầu từ chiều 7/2 – ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Khi công ty xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho công nhân, một số người không vào nhà máy làm việc, dần dần kéo thành cuộc đình công khi nhiều người cho rằng mức lương cơ bản và phụ cấp thâm niên còn thấp; so với sức lao động, thu nhập hiện tại không đủ trang trải cuộc sống.

Gần 5.000 công nhân đã ngừng làm việc, yêu cầu lãnh đạo nhà máy thực hiện 11 yêu cầu của công nhân, gồm: tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp thâm niên, chế độ nghỉ phép không được trừ các khoản phụ cấp, tăng số lượng công nhân được hưởng mức độc hại, công nhân bị nhiễm COVID-19 không được tự ý chấm dứt hợp đồng lao động…

Ngày 8/2, Công ty Viet Glory đồng ý các yêu cầu như không bắt buộc công nhân phải có mặt trước giờ làm việc 10 phút; F0 khi khỏi bệnh được đi làm; tiền hỗ trợ COVID-19 sẽ được giải quyết sớm; tăng trợ cấp xăng xe mỗi tháng từ 200.000 lên 260.000 đồng; tăng tiền ăn từ 18.000 đồng mỗi bữa lên 20.000 đồng…

Với kiến nghị tăng lương cơ bản, công ty không đồng ý vì cho rằng đã áp dụng mức lương 3.670.100 đồng, cao hơn 600.000 đồng so mức lương cơ bản vùng 4 và sẽ xem xét thực hiện trong thời gian tới. Với phụ cấp thâm niên, pháp luật không bắt buộc mà tùy tình hình tài chính và chính sách phúc lợi của doanh nghiệp.

Không đồng tình với cách giải quyết của công ty, công nhân tiếp tục đình công gây áp lực. Ngày 11/2, ban giám đốc Công ty TNHH Viet Glory quyết định bổ sung phụ cấp thâm niên cho công nhân kể từ tháng 3 và đồng ý giải quyết một số kiến nghị khác của công nhân.

Tuy nhiên, đến sáng 12/2, sau 5 ngày ngưng làm việc, chỉ khoảng 200 công nhân quay lại làm việc, còn hàng nghìn người khác vẫn chưa trở lại công ty.

Giới chức tỉnh Nghệ An cùng đại diện Công ty TNHH Viet Glory sau đó có buổi làm việc và phía công ty đã ra thông báo mới, đồng ý tăng lương, phụ cấp.

Công ty TNHH Viet Glory thành lập hồi tháng 11/2019, 100% vốn nước ngoài. Hiện công ty có trên 5.000 công nhân làm việc với ngành nghề sản xuất là giày da xuất khẩu. Đơn vị này đang trong quá trình xây dựng giai đoạn 2, sau khi hoàn thành dự kiến thu hút thêm khoảng 4.000 công nhân.

Sơn Nguyên

Xem thêm: