Theo báo cáo mới công bố của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), trong quý 3 năm 2018, Hà Nội có 41 ngày có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

o nhiem không khi
Một người đàn ông đeo khẩu trang trong phòng chờ tại sân bay để tránh ô nhiễm và cảm cúm, ngày 26/6/2015. (Ảnh: Shutterstock)

Bản phúc trình của WHO công bố hôm 30/10/2018 cho biết 91% dân số thế giới đang sống trong những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt qua các mức giới hạn của WHO.

“Không ai có thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm không khí“, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom nhấn mạnh.

Theo ước tính, có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí. 93% trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm không khí. Đã có bằng chứng cho thấy việc sinh non và thai nhi chết trong bụng mẹ có nguyên nhân từ việc hít thở không khí bẩn.

Tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát 4 quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).

Theo báo cáo Chất lượng không khí Việt Nam cập nhật, trong quý 3 năm 2018, Hà Nội có 41 ngày nồng độ PM2.5 trung bình vượt quá giới hạn cho phép (25 μg/m3). Nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày là 30,2 μg/m3. Nồng độ bụi càng cao, mức độ ô nhiễm càng lớn.

o nhiem không khi
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) quý 3 các năm 2016-2018 và trong năm 2018 tại Hà Nội. (Nguồn: GreenID)

Theo GreenID, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong hầu hết các ngày trong quý đều ở mức trung bình, có nghĩa là chất lượng không khí ở mức chấp nhận được, tuy nhiên, có thể nguy hiểm đối với một số người đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí (gồm trẻ em, người già, những người mắc bệnh hô hấp). Đây cũng là nhận định chung về chất lượng không khí tại Hà Nội trong cùng kỳ năm 2016 và 2017.

TP.HCM có chất lượng không khí tốt hơn khi chỉ có 9 ngày trong quý vượt quá giới hạn cho phép (25 μg/m3). Nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày là 18,4 μg/m3, trong khi tại Hà Nội là 30,2 μg/m3.

o nhiem không khi
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) quý 3 các năm 2016-2018 và trong năm 2018 tại TP.HCM. (Nguồn: GreenID)

Mặc dù tổng quan chung chất lượng không khí của quý là khá tốt, nhưng dữ liệu cho thấy xu hướng mức độ ô nhiễm tăng nhẹ qua từng tháng của quý, dự đoán chất lượng không khí có thể xấu trở lại trong quý cuối cùng của năm. Đây cũng là xu hướng đã diễn ra trong hai năm qua“, báo cáo cho hay.

Cũng còn quá sớm để kết luận rằng chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang được cải thiện khi các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng và công nghiệp tiếp tục gia tăng, đặc biệt là việc tăng số nhà máy nhiệt điện than xung quanh hai thành phố lớn này – theo GreenID.

Tổ chức phi lợi nhuận (NPO) GreenID được thành lập năm 2011, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). GreenID hoạt động để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Công, thúc đẩy ngành năng lượng bền vững.

Cơ sở dữ liệu để phân tích chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM được thu thập từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM và một số điểm đo khác do GreenID đặt thiết bị đo nhanh ở Hà Nội.

Theo GreenID, dù số liệu quan trắc được lấy từ một vài điểm, báo cáo vẫn có giá trị trong việc đưa ra dấu hiệu cảnh báo về chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn nhất nước bởi tính chất phát tán của ô nhiễm không khí.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: