Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), hiện cán bộ vi phạm rất nhiều, bị kỷ luật nhưng vài năm sau lại sống lại đầy kỳ diệu. Nguyên nhân là hiện nay những quy định xử lý cán bộ, viên chức, đảng viên không nghiêm.

cac hinh thuc xu ly ky luat
Cứ vi phạm là khiển trách, cảnh cáo,.. trong khi ‘quy trình luôn luôn đúng’. (Ảnh minh họa: sate)

Ngày 24/5, trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về việc sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Về hình thức kỷ luật “giáng chức”, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng nên giữ nguyên. Theo bà Trang, với việc kỷ luật giáng chức cũng đảm bảo tính răn đe. Điều này cũng tạo điều kiện cho cán bộ từng bị giáng chức có điều kiện quay trở lại.

Đồng tình với bà Trang, ĐB Trần Thị Phương Hoa (TP. Hà Nội) cho hay nếu từ cảnh cáo mà chuyển sang ngay cách chức thì quá nặng.

Ở đây nếu như một người đang ở vị trí cấp trưởng nào đó mà khi bị cách chức thì chỉ trở thành một cán bộ thường thôi, nhưng nếu vẫn giữ giáng chức thì không là cấp trưởng vẫn có thể xuống cấp phòng, cũng hợp lý” – bà Hoa nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng việc bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” để bảo đảm xử lý kỷ luật đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm. Hơn nữa, quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Ngoài ra, quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

Về xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm, đặc biệt là cán bộ về hưu, ĐB Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cho biết tỉnh gần đây xảy ra nhiều vụ công chức, cán bộ vi phạm, nhưng khi phát hiện thì những người này đã nghỉ hưu.

Tỉnh chỉ có thể chỉ xử lý về mặt Đảng tại địa phương. Những vi phạm đó cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ xử lý được ở mức khiển trách, cảnh cáo, hoặc kiểm điểm sâu sắc nên hình phạt cũng không có nhiều tác dụng. Tỉnh có mấy người như nguyên giám đốc sở mắc sai phạm nhưng cũng không xử lý được, và cũng chẳng giải quyết được điều gì vì họ đã hạ cánh an toàn“, bà Mỷ nói.

Bà Mỷ đề nghị cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe cho những người sau, tránh trường hợp cán bộ trước vi phạm được, cán bộ sau cũng có thể vi phạm và thậm chí hơn.

Còn ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho hay số vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra rất nhiều, cán bộ vi phạm rồi trở thành những thanh củi tươi, củi khô vẫn lần lượt được đưa vào lò, dù có hết các cơ quan giám sát.

Nhiều vụ việc cán bộ bị kỷ luật rồi không hiểu làm cách nào đó vài năm sau sống lại đầy kỳ diệu, tiếp tục giữ chức vụ như chưa từng bị gì.

Theo bà Khánh, nguyên nhân là hiện nay những quy định xử lý cán bộ, viên chức, đảng viên không nghiêm. Cứ vi phạm thì xử lý khiển trách, cảnh cáo, thôi việc…, trong khi quy trình thì luôn luôn đúng.

Bà Khánh đề nghị cần học tập theo các nước để xử lý vi phạm, như: lần đầu thì cho nghỉ việc 3 ngày, lần kế tiếp thì 5 ngày và vi phạm lần thứ ba thì cho thôi việc.

Hoàng Minh

Xem thêm: