Sở GTVT TP.HCM sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng vào cuối năm 2017 tại trung tâm TP.HCM để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi xe buýt, nhằm giảm ùn tắc giao thông.

CapitalBikeshareDC

Ngày 21/4, Sở GTVT TP.HCM cho biết đang làm việc với đơn vị tư vấn về cách quản lý dịch vụ xe đạp công cộng. Dự kiến đến cuối năm 2017, thành phố sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại giữa các trạm xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt.

Theo mô hình cho thuê xe đạp công cộng, đơn vị quản lý sẽ dùng khóa điện tử để quản lý xe; thông tin liên quan đến hành khách cũng được đơn vị lưu lại. Nếu người dùng chỉ sử dụng xe đạp trong một giờ thì có thể được miễn phí. Ngoài ra, hành khách cũng có thể trả xe ở các trạm khác nhau chứ không nhất thiết phải trả xe tại nơi lấy xe.

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch thu hút hành khách đi xe buýt năm 2017, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên khu vực thành phố.

Ngoài ra, Sở GTVT xây dựng đề án đầu tư xe buýt mới giai đoạn 2018-2020; nghiên cứu phương án dùng xe ô tô trung chuyển kết nối xe buýt nhanh (BRT) với các nhà ga metro; thực hiện thí điểm một số tuyến đường có làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt hoạt động (dự kiến sẽ tổ chức trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu),…

Theo Sở GTVT, năm 2016, khối lượng vận tải hành khách công cộng (bằng xe buýt và taxi) tại TP.HCM đạt 567 triệu lượng hành khách. Riêng quý 1/2017, khối lượng vận tải hành khách công cộng đã đạt gần 138 triệu lượt hành khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong năm 2016, TP.HCM đã thay mới 753 xe buýt trên 44 tuyến có trợ giá, trong đó có 132 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Đề án thay thế mới 1.680 xe buýt CNG đã triển khai được 66 xe buýt đưa vào hoạt động năm 2015. Năm 2017, TP.HCM sẽ hoàn thành thay mới 861 xe buýt còn lại.

Ngày 27/1/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết mục tiêu tại các thành phố lớn của Việt Nam là làm sao giảm bớt lượng xe cơ giới cá nhân, tăng tỷ lệ phương tiện công cộng. Trong đó, khuyến khích sử dụng xe đạp để kết nối đầu – cuối. Vấn đề này đã được Chính phủ giao cho 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thí điểm.

Mục tiêu đến năm 2020, TP. Hà Nội và TP.HCM sẽ có lượng vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 20 – 25%; vận tải cá nhân chiếm 75 – 80% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20 – 30%). Tại các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải hành khách công cộng yêu cầu ở mức 10 -15%.

Trần Tâm

Xem thêm: