Ngày 9/9, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án liên quan đến sai phạm trong việc mua thuốc Tamiflu để phòng chống dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

thu truong cao minh quang
TS Cao Minh Quang khi còn đương chức Thứ trưởng Bộ Y tế trong buổi bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, năm 2012. (Ảnh: hup.edu.vn)

Theo đó, 4 bị can phần lớn là cựu cán bộ cấp cao thuộc Bộ Y tế, gồm Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế); Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính); Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý Dược) và Phạm Thị Minh Nga (cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính), bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về phía Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, các bị can gồm Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc); Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó Tổng Giám đốc) và hai cựu cán bộ thuộc công ty này là Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, Công ty Dược Cửu Long được thành lập năm 2004, ban đầu có vốn nhà nước chiếm 51,07%. Đến năm 2019, sau khi nhà nước thoái toàn bộ vốn, Dược Cửu Long trở thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân.

Năm 2005 khi dịch cúm A/H5N1 lây lan rộng, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch tại Việt Nam. Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, chỉ đạo, giám sát việc sản xuất thuốc, dự trữ thuốc theo kế hoạch. Bộ này sau đó giao kế hoạch và đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các Hợp đồng kinh tế.

Do được giảm giá nguyên liệu, bị can Lương Văn Hoá khi đó đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Cửu Long đã chỉ đạo thuộc cấp là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Văn Thanh Hải, hạch toán trái nguyên tắc kế toán. Bị cáo Hóa đã chỉ đạo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra nhằm hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61,6 tỷ đồng) để sử dụng.

Về phía Bộ Y tế, VKS nhận định các bị can tại cơ quan này được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Dược Cửu Long và nhà cung cấp, nhưng đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra báo cáo tài chính, chứng từ thanh toán. Việc này dẫn đến hậu quả không phát hiện Dược Cửu Long được giảm giá và giữ lại số tiền 3,8 triệu USD.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ theo Quyết định số 92/QĐ-BYT ngày 11/1/2008 nhưng bị can đã thiếu trách nhiệm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Theo Dân trí, sau khi kết thúc điều tra vụ án, ông Quang có đơn gửi cơ quan điều tra và VKS xác nhận sai phạm, đồng thời tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tuấn Minh