Qua xét nghiệm hơn 1.200 trẻ em tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) trong hai ngày 15, 16/3, đã phát hiện 81 trẻ bị nhiễm sán lợn.

thit lon nhiem san
Ít nhất 81 trẻ em bị nhiễm sán lợn nghi ăn thịt nhiễm ấu trùng sán. (Ảnh minh họa: nongnghiep)

Ngày 16/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương (Hà Nội) tiếp tục xét nghiệm sán lợn cho gần 900 trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Thống kê, trong hai ngày 15 và 16/3, khoảng 1.200 trẻ từ 1 – 10 tuổi, trong đó nhiều trẻ dưới 7 tuổi được các bậc phụ huynh tại huyện Thuận Thành đưa đi xét nghiệm nhiễm sán lợn.

BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết số lượng trẻ ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn đã tăng lên 19 trường hợp. Tích lũy sau nhiều ngày, tổng số bệnh nhi dương tính là 81 em. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vì nhiều bệnh nhi chưa nhận được kết quả.

Cũng theo BS Thiều, số lượng bệnh nhân đăng ký khám là hơn 500 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng thực làm xét nghiệm ít hơn vì có trường hợp bố mẹ đăng ký khám sau đó chuyển sang viện khác.

Do số bệnh nhân đến cùng lúc và đông nhất trong hàng chục năm của ngành truyền nhiễm, những ngày qua, 2 bệnh viện trên đã phải huy động nhân viên tăng cường khám và lấy mẫu máu xét nghiệm.

Cao điểm, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải trưng dụng thêm hội trường để làm phòng khám cho các bé.

Sán lợn có thể gây liệt người

Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn còn gọi là bệnh sán dải. Nguyên nhân bệnh do thói quen ăn thịt lợn sống, thịt lợn tái.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh – chuyên khoa Ký sinh trùng cho biết sau khi lợn ăn phải ấu trùng sán, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. Thời gian từ 24-72 giờ kể từ khi ăn phải, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài.

Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người bệnh có thể mắc ấu trùng sán lợn hoặc sán trưởng thành ở ruột nếu ăn hay nuốt phải trứng, nang ấu trùng sán lợn.

Khi vào cơ thể con người, trứng sán đi đến dạ dày nở ra ấu trùng, đến ruột non, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt…

Người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột.

Bệnh thường không triệu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, suy nhược hoặc phát hiện các đốt sán ra theo phân thành những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà. Sán có thể bò ra ngoài qua đường hậu môn.

Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng của Viện Sốt rét Trung ương, cho biết triệu chứng bệnh ấu trùng sán lợn tùy thuộc vào số lượng, vị trí và giai đoạn tiến triển có thể gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở. Nếu bị đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt… cần đến bệnh viện khám vì rất có thể ấu trùng sán đã cư trú vào trong não.

Cục Y tế dự phòng cho hay cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời khi nghi ngờ bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn. Phác đồ điều trị hiện nay có thể tiêu diệt sán trưởng thành trong một ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần.

Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

  • Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
  • Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
  • Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
  • Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.

Trước đó, ngày 14/2, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn dùng trong bữa ăn của trẻ có nhiều hạt nhỏ như gạo. Nghi là sán, phụ huynh yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc.

Đến trưa ngày 5/3, một số phụ huynh phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống của nhà cung cấp. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi, lẫn cả rác và củ hành tươi còn nguyên rễ. Lo lắng, nhiều phụ huynh đã đưa các em đến các bệnh viện để xét nghiệm sán lợn.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Hoàng Minh

Xem thêm: