Cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đang xây dựng đề án quản lý khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà; trong đó cấm sử dụng xe máy đi tham quan bán đảo, yêu cầu du khách sử dụng xe trung chuyển.

cấm xe máy lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
Bán đảo Sơn Trà có nhiều vòng cua nguy hiểm. (Ảnh: Hồng Liên)

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2019 đến nay, trên bán đảo Sơn Trà đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân do người tham gia giao thông điều khiển phương tiện xe máy tay ga thiếu kỹ năng mất lái, tự gây tai nạn.

Gần đây nhất, chị Lại Thị Vân (37 tuổi, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) chạy xe tay ga chở con gái (12 tuổi) cùng mẹ chồng (72 tuổi) lên bán đảo Sơn Trà tham quan đã mất lái khi đổ dốc từ đỉnh núi Bàn Cờ về hướng trung tâm thành phố, khiến cháu bé và cụ bà bị hất văng xuống vực sâu khoảng 10m. Hậu quả, bé gái tử vong tại chỗ, cụ bà tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Riêng chị Vân bị thương nặng.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP. Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, xây dựng đề án quản lý khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà, kéo giảm tình hình TNGT.

Đại diện Phòng CSGT (Công an TP) cho biết đường lưu thông tại bán đảo Sơn Trà có địa hình dốc, hiểm trở, độ vênh 10%-12%, nhiều đoạn có cây xanh che khuất tầm nhìn… nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Vì vậy, phòng CSGT đề xuất trước mắt các biện pháp hạn chế tai nạn như kẻ thêm vạch giảm tốc, dựng các gương cầu lõm, đặt thêm biển cảnh báo,… Lâu dài, thành phố nên xem xét việc cấm xe máy lên Sơn Trà và có kế hoạch xây dựng các điểm trung chuyển khách tham quan bằng ôtô hay phương tiện khác.

Còn theo đại diện Sở GTVT, giao thông tại bán đảo Sơn Trà chủ yếu phục vụ cho quốc phòng. Khu vực đường dành cho dân sinh, công cộng rất ít, trong đó chỉ có khu vực từ đường Yết Kiêu lên đồi Vọng Cảnh và đường Hoàng Sa từ chân bán đảo lên khu nghỉ dưỡng Intercontinental là phục vụ dân sinh. Phần đường còn lại chủ yếu phục vụ cho quốc phòng nên địa hình đèo dốc, nhiều đoạn cong nguy hiểm, không phù hợp với phương tiện lưu thông là xe máy.

Sở này cho rằng việc cấm xe máy lên bán đảo Sơn Trà là cần thiết, đồng thời cần xây dựng các điểm trung chuyển cho khách tham quan.

Trước đó, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng từng nhiều lần lấy ý kiến xây dựng phương án quản lý du khách, trong đó có việc cấm xe máy và xây dựng các điểm trung chuyển để đưa du khách tham quan bán đảo Sơn Trà.

Tuy nhiên, phương án cấm xe máy vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Có người dân cho rằng các vụ tai nạn đúng là do người điều khiển xe máy, phụ nữ tay lái yếu, nhưng sao lại cấm xe máy. Vì ngoài khách du lịch còn nhiều người làm việc ở khu du lịch, người địa phương, ngư dân,… đâu phải ai cũng có ô tô, cần có giải pháp khác.

Theo thống kê của người dân địa phương, tại bán đảo Sơn Trà có 9 con dốc, khúc cua vô cùng nguy hiểm, thường xuyên xảy ra tai nạn như:

  1. Dốc cảng Tiên Sa đến bãi Đá Đen dài khoảng 1km và đổ dốc liên tục. Điểm cuối của dốc là khúc cua đổ ra đường lớn hai chiều.
  2. Dốc chân nhà Vọng Cảnh với nhiều vách núi dựng đứng;
  3. Dốc gần đỉnh đồi nhà Vọng Cảnh có đường cua lại rất gấp, dốc dài và độ dốc cao kéo dài liên tục;
  4. Dốc đỉnh đồi nhà Vọng Cảnh về hướng sân bay trực thăng có độ dốc khá lớn, có đoạn cua rất ngặt;
  5. Dốc xuống hố Sâu dài liên tục gần 2km, đường hẹp, nhiều khúc cua ngặt nguy hiểm;
  6. Dốc đỉnh Bàn Cờ về Resort Intercon Da Nang dài liên tục vài cây số, đường hẹp. Bên phải đường là taluy âm nên vực rất sâu;
  7. Dốc ngã 3 đi cây Đa ngàn năm với độ dốc quá cao và tức. Trước khi lên dốc thì có 1 đoạn cua ngặt nên các xe thường bị mất đà. Xuống dốc thì quá dốc nên tay lái dễ bị lạc;
  8. Dốc đi từ ngã 3 cây Đa ngàn năm ra khu du lịch sinh thái Trường Mai, vừa lên hết dốc là thả dốc gấp, đường rất nhỏ mà ít được dọn dẹp, 2 bên đường là vực sâu. Dốc kéo dài, nhiều chỗ cua tay áo;
  9. Dốc từ cây Hoa vàng xuống đường Yết Kiêu.

Kim Long

Xem thêm: