Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 13/1 đã mô tả việc Việt Nam kết tội và tuyên án các thành viên của nhóm Hiến Pháp là việc làm đi ngược lại xã hội tự do và cởi mở. Một ngày trước đó, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng lên tiếng phản đối phán quyết can thiệp vào nhiều quyền tự do của con người của tòa án Việt Nam. 

nhom hien phap 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 31/7/2020. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Trong một bài đăng trên tài khoản Facebook vào sáng 13/1, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội bày tỏ quan điểm :

“Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam kết tội và tuyên án tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp tại Việt Nam hơn 40 năm tù. Các xã hội tự do và cởi mở trên thế giới được củng cố khi các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình nhất quán với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.”

Ngày 8/1, tại phiên xét xử phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP.HCM chủ trì, bốn người trong nhóm Hiến Pháp bị tuyên y án sơ thẩm. Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị tuyên 8 năm tù, hình phạt bổ sung 3 năm quản chế; ông Ngô Văn Dũng 5 năm tù; ông Lê Quý Lộc 5 năm tù và hình phạt bổ sung 2 năm quản chế; ông Hồ Đình Cương 4 năm 6 tháng tù.

Tất cả đều bị cáo buộc tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự, dù khẳng định “chỉ chống Trung Quốc” khi tổ chức biểu tình chống Luật Đặc khu hồi tháng 9/2018 (chưa diễn ra), với quyền công dân được ghi trong Hiến pháp.

Theo đó, 4 trong 8 thành viên kháng cáo đều thất bại. Tổng mức án đã tuyên trước đó tại phiên sơ thẩm ngày 31/7 đối với 8 thành viên lên tới hơn 40 năm tù, trong đó mức án từ thấp nhất 2 năm 6 tháng tù, cao nhất là 8 năm tù, về tội “Phá rối an ninh”.

Lên tiếng sau phiên sơ thẩm, Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định về xu hướng ngày càng gia tăng các vụ bắt giữ và các bản án khắc nghiệt của Việt Nam đối với các nhà hoạt động ôn hoà từ đầu năm 2016.

“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất tuân lý và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm của mình, không sợ bị trả thù.” – đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động cần phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp quốc gia cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

Trong thông điệp ngày 12/1, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định những thành viên của nhóm Hiến Pháp “chỉ là những nhà hoạt động ôn hòa thúc đẩy các quyền con người được ghi trong Hiến pháp Việt Nam”. Phán quyết ngày 8/1 cùng bản án ngày 5/1 đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam “khẳng định một xu hướng đáng lo ngại nhằm thu hẹp không gian cho tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội ở Việt Nam”.

Phái đoàn Liên minh Châu Âu mong muốn nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay cho 4 thành viên nhóm Hiến Pháp, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam và các bên liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 25  

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 28  

  1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước.
  2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Việt Nam liệu ‘không có án oan sai’ như lời Chánh án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp?