Ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho biết sẽ thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, vì đây không phải là dự án thương mại bình thường mà là dự án tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước, truyền thông trong nước sáng 25/6 đưa tin.

cat linh ha dong
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hồi năm 2015, hiện tại vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: Trong Nguyen/Shutterstock)

Theo báo Người Lao Động, thông tin trên được trao đổi tại buổi tiếp đón vào chiều 24/6 của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đối với ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Huệ muốn ông Hùng Ba tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, và một số địa phương của Trung Quốc; thúc đẩy tiến độ để dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sớm đi vào hoạt động.

Đáp lại, ông Hùng Ba cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đến tham gia đầu tư tại Hà Nội, muốn Hà Nội tiếp tục mở rộng hợp tác, hỗ trợ với Bắc Kinh.

Về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, ông Hùng Ba cho rằng đây không phải là dự án thương mại bình thường mà là dự án có sử dụng vốn của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước, do đó nếu kéo dài sẽ gây bất lợi cho cả hai phía, theo Dân Trí.

Ông này cho hay sẽ đề nghị Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đảm bảo tiến độ và chất lượng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đưa dự án vào vận hành dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, báo Người Lao Động dẫn tin.

Đến sáng nay, 25/6, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ đến kỳ trả hạn vốn vay vào ngày 21/7 tới đây. Hà Nội là đơn vị trả nợ nhưng kỳ này chưa bàn giao được trước ngày 30/6.

Khi dự án chưa bàn giao được cho Hà Nội, Bộ GTVT sẽ phải trả tiền. Phía Bộ GTVT đang kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, vốn vay ODA của Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (công ty con của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (CREC)) làm Tổng thầu EPC, theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ.

Toàn tuyến có tổng chiều dài là 13,5 km với 12 ga trên cao. Dự án được khởi công từ tháng 10/2011, hiện đã 8 lần chậm tiến độ so với cam kết, tổng vốn tăng từ 552,86 triệu USD (8.770 tỷ đồng) lên 891,92 triệu USD (18.792 tỷ đồng), đội giá gần 40%.

Riêng với khoản lãi vay tăng thêm 250 triệu USD do dự án bị đội giá, theo công bố của Bộ Tài chính (2018), mỗi năm, Việt Nam phải trả nợ Trung Quốc ít nhất 650 tỷ đồng (1,8 tỷ đồng/ngày), trả vào hai kỳ hạn, ngày 21/1 và ngày 21/7 hàng năm. Đây là khoản trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank (Trung Quốc), thời gian bắt đầu tính từ tháng 1/2016 đến 15/11/2025.

Con số này là chưa kể số vay 419 triệu USD vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án ban đầu (lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm).

Theo Tiền Phong ngày 3/4/2018, các chuyên gia cho rằng nếu dự án hoàn thành đúng tiến độ thì phía Việt Nam chỉ phải trả khoảng 600 triệu đồng lãi/ngày cho khoản vay theo dự án được phê duyệt ban đầu. Song với khoản vay hơn 250 triệu USD do đội vốn, do lãi suất không ưu đãi nên con số trả lãi là 1,8 tỷ đồng/ngày, theo đúng tính toán của Bộ Tài chính.

Trước khi trở thành Tổng thầu EPC dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (CRSG) chưa từng xây dựng tuyến đường sắt đô thị nào theo hình thức tổng thầu EPC mà chỉ chuyên về thầu xây lắp.

“Khi chúng ta ký hiệp định vay vốn với Trung Quốc thì bên Trung Quốc đã chỉ định tổng thầu…”, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời trước Quốc hội ngày 5/6/2019.

Theo ông Thể, dự án chưa thể vận hành vì chưa chứng minh được an toàn hệ thống.

Nguyễn Quân