Công ty TNHH Trồng rừng 27/7 được giới chức tỉnh Đắk Lắk cho thuê rừng và đất rừng để thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng đã để mất hơn 326 ha rừng.

rung cong ty 27 7 daklak
Sau 10 năm thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án đầu tư cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng công ty TNHH trồng rừng 27/7 đã để mất hơn 326ha rừng. (Ảnh: nhandan.vn)

Công ty TNHH trồng rừng 27/7 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất tại Quyết định số 2959 ngày 17/11/2010 và cho thuê rừng tại Quyết định số 1452 ngày 6/7/2012 để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng tại Tiểu khu 251, xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Dự án có tổng diện tích được thuê là 783,4 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên quy hoạch quản lý, bảo vệ là 36,79 ha; diện tích chưa có rừng áp dụng giải pháp trồng rừng toàn diện là 33,87 ha, trồng cây keo lai; diện tích đất rừng nghèo áp dụng biện pháp cải tạo trồng rừng (trồng bổ sung cây keo lai) là 693,06 ha; diện tích xây dựng đường, cơ sở hạ tầng phục vụ dự án là 17,31 ha; diện tích hồ nước 0,31 ha và diện tích suối, đường là 2,06 ha.

Tiến độ trồng rừng, cải tạo rừng theo dự án đầu tư, trong năm 2011 cải tạo, trồng 250 ha; năm 2012 cải tạo, trồng 476,93 ha.

Theo phương án quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH trồng rừng 27/7 giai đoạn 2021-2030 được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1300 ngày 23/5/2021 là: Kế hoạch bảo vệ rừng với diện tích 639,47 ha rừng tự nhiên, chức năng sản xuất; kế hoạch phát triển rừng và sản xuất nông-lâm kết hợp, trồng rừng với diện tích 87,83 ha, thời gian thực hiện trong 2 năm 2021-2022; sản xuất nông-lâm kết hợp với diện tích 37,64 ha, thời gian thực hiện 2 năm 2021-2022…

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, Công ty TNHH trồng rừng 27/7 đã buông lỏng quản lý rừng dẫn đến suy giảm hơn 326 ha rừng.

Trên diện tích rừng bị phá, được trồng đủ loại hoa màu ngắn ngày, nhiều công trình xây dựng trái phép. Ngoài ra, công ty này còn tự ý trồng hơn 60 ha keo lai trên phần diện tích rừng tự nhiên, làm sai so với phương án quản lý rừng bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt. Công ty cũng chưa thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, chưa lập thủ tục thuê rừng gắn với thuê đất, chưa nghiêm túc cập nhật diễn biến rừng theo quy định.

Đáng chú ý, thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Ea Súp tiếp nhận nhiều đơn thư, tố cáo việc mua bán, sang nhượng, nợ thuế đất liên quan đến Ban giám đốc cũ, mới và một số thành viên công ty.

Ngày 3/10/2022, đoàn kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp làm việc với 13 người có liên quan đến việc góp vốn, phân chia đất. Bước đầu, những người này đã cung cấp các giấy tờ, xác nhận của ông Nguyễn Văn Quê (giám đốc cũ), thể hiện có việc góp vốn bằng tiền mặt và được vị này phân chia đất dự án.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Lắk), Công an huyện Ea Súp tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và đang xác minh thông tin liên quan đến dự án đầu tư, cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng của công ty.

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời bà Trịnh Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng 27/7, nói công ty có cày xới khoảng 135 ha để trồng rừng và trồng xen canh cây nông nghiệp.

Theo bà Hương, bà đã báo các cơ quan chức năng về tình trạng một số người không phải là thành viên của công ty về thực trạng chiếm đất công ty. Bà Hương cũng thừa nhận có người lấn chiếm đất để dựng trại bò trên lâm phần của công ty. “Việc lấn chiếm này do thời giám đốc cũ để lại. Thời kỳ của tôi không lấy của ai một ngàn, cũng không chia đất cho ai hết” – bà Hương cho hay.

Minh Long