Toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 60.000 đến 70.000 liều vắc-xin COVID-19 hết hạn từ ngày 30/6.

tiem vac xin covid 19
Giới chức Y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân tại TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh: baodaklak.vn)

Ngày 2/7, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết đơn vị đang tổng hợp để báo cáo Bộ Y tế về việc vắc-xin phòng COVID-19 đã hết hạn ở các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Chiến, tại Tây Nguyên, vắc-xin dư thừa, hết hạn sử dụng chủ yếu tập trung tại Đắk Lắk.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 60.000 đến 70.000 liều vắc-xin COVID-19 hết hạn từ ngày 30/6.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin của tỉnh đạt rất thấp. Nhóm từ 18 trở lên tiêm mũi 3 chỉ đạt 41,8%, mũi 4 đạt 5,7%; nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi mũi 1 chỉ mới đạt 39,9%, mũi 2 đạt 7,4%.

Ông Hoàng Hải Phúc, Phó giám đốc phụ trách CDC Đắk Lắk, xác nhận về nguyên nhân dư thừa vắc-xin, tỉnh đã có dự trù nhưng Bộ Y tế không đồng ý và cấp đúng số lượng đã tiêm mũi 1 và mũi 2.

Trong khi đó, dù tỉnh đã chỉ đạo mỗi trạm y tế xã thành lập 3 đội lựu động đến từng nhà để tiêm nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, hồi tháng 6, giới chức tỉnh Quảng Ngãi đề nghị trả Bộ Y tế gần 200.000 liều vắc-xin COVID-19 bị dôi dư.

Tại Điện Biên, đến ngày 14/6, toàn tỉnh còn tồn khoảng 51.000 liều vắc-xin COVID-19; tiến độ tiêm rất chậm, nguy cơ cao phải hủy số vắc-xin này do quá hạn sử dụng.

Bộ Y tế đề nghị tỉnh phải đẩy mạnh tiêm vắc-xin. Nếu không nhận vắc-xin hoặc để vắc-xin tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế chiều 27/6, theo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện kho lưu trữ vắc-xin còn 15 triệu mũi, có hạn sử dụng từ tháng 7 đến tháng 10.

Bà Hồng cho rằng số lượng vắc-xin COVID-19 chỉ đáp ứng đủ mũi tiêm nhắc lại cho người dân, không có hiện tượng dư thừa.

Minh Long