Sau khi hoàn thành, kênh thủy lợi Đ3 (ở Đắk Lắk, được đầu tư gần 15 tỷ đồng) lại nằm sâu hơn mặt ruộng cả mét, không dẫn được nước khiến hàng trăm ha lúa của dân chết khát. Hơn nữa, kênh đã không có hiệu quả nhưng ngân sách lại phải bỏ thêm 850 triệu đồng để gia cố các điểm sạt lở trên tuyến kênh này.

kenh d3 daklak thap hon ruong
Kênh Đ3 nhiều đoạn cây cỏ mọc um tùm, sạt lở… (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Hệ thống kênh Đ3 thuộc dự án Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ (được xây dựng tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài 1,2 km, kinh phí gần 15 tỷ đồng để lấy nước từ kênh dẫn dòng chính của Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ về tưới cho hàng trăm ha lúa trên 2 xã Krông Búk và Ea Kly. Dự án do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư.

Thế nhưng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được 1 năm (năm 2017), công trình này bị bỏ hoang cho đến nay khiến người dân bức xúc.

Báo chí nhà nước cho biết tại thượng nguồn kênh Đ3, mặc dù lượng nước từ hồ Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ chảy ra rất lớn nhưng không thể chảy vào kênh Đ3 do hệ thống kênh bị tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, nhiều vị trí trong lòng kênh Đ3 trơ đáy, cỏ dại mọc um tùm và không có nước. Kênh lại sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1-10m nên 2 bên bờ kênh đã có 6 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới các gia đình sống ở hai bên kênh.

Điều đáng nói, tại cuối tuyến kênh Đ3 là cánh đồng thôn 9, rộng 65ha, xã Krông Búk, người dân bức xúc khi phải đối diện với cảnh dở khóc dở cười vì mặt kênh dẫn nước thấp hơn mặt ruộng hàng mét, khiến nước không thể vào ruộng.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Phạm Ngọc Khương (51 tuổi, sống ở thôn 9, xã Krông Búk) nói: “cống sâu hơn chân ruộng gần 1m, nước nào chảy vào nổi”.

Theo ông Khương, nước hiện hữu là nước mạch ngầm chứ không phải từ kênh Đ3 chảy về. Từ khi xây dựng xong, người dân phải bơm nước từ kênh làm được một mùa lúa, thì kênh tắt nước cho đến giờ.

“Lúc xây dựng, chúng tôi đã phản đối vì làm kênh, cống hộp quá sâu, mà hạ du cao hơn thượng nguồn. Hơn nữa, hệ thống cống hộp làm không đảm bảo, bùn đất chảy vào gây tắc nghẽn nên dù hệ thống kênh chính nước rất dồi dào thì trong này lúa của dân vẫn chết khát”, ông Khương bức xúc nói.

kenh d3 daklak thap hon ruong 1
Mặt kênh dẫn nước thấp hơn mặt ruộng hàng mét, khiến nước không thể vào ruộng. Theo ông Khương, nước hiện hữu là nước mạch ngầm chứ không phải từ kênh Đ3 chảy về. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Sâm, chủ tịch UBND xã Krông Búk còn cho biết kênh làm xong, hiệu quả không thấy đâu nhưng ngân sách lại phải bỏ thêm 850 triệu đồng để gia cố điểm sạt lở trên tuyến kênh này.

Trả lời về việc vì sao tuyến kênh Đ3 xây thấp hơn mặt ruộng, ông Đinh Xuân Diệu, chủ tịch huyện Krông Pắk, cho biết dự án thực hiện xong đã lâu trước khi ông về nhận công tác tại địa phương nên không nắm rõ.

Theo hồ sơ, quyết định điều chỉnh vốn đầu tư, lựa chọn nhà thầu làm công trình kênh Đ3 do ông Ngô Sỹ Kỷ, cựu phó Ban Nội Chính Tỉnh Ủy, cựu chủ tịch Krông Pắk, ký, phê duyệt và do công ty xây dựng thương mại Thiện Lộc của bà Nguyễn Thị Năm, vợ ông Trần Đức Lanh, cựu phó chủ tịch huyện Krông Pắk, làm giám đốc trúng thầu thi công.

Thế nhưng, đơn vị trúng thầu sửa chữa, gia cố kênh Đ3 cũng lại chính là công ty Thiện Lộc, khiến nhiều người nghi ngại về tính minh bạch tại công trình hàng chục tỷ này.

Hoàng Minh