Sau 7 năm thi công, công trình tượng đài anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên vừa được khánh thành vào sáng 20/12.

dak nong khanh thanh tuong dai ntrang 167 ty dong.jpg
Các chức danh trong tỉnh và đại biểu cắt băng Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng, sáng 20/12/2022. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Lễ Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng và Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 – 1936) được chính quyền tỉnh Đắk Nông tổ chức vào sáng 20/12. Ngày khánh thành được chọn cùng ngày với Lễ kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 2022).

Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh Đắk Nông và được tiếp sóng tại các đài Phát thanh – truyền hình khác trong nước.

Tại buổi lễ, ông Ngô Thanh Danh – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết công trình tượng đài N’Trang Lơng là để “ghi nhớ công lao to lớn của N’Trang Lơng và nhắc nhở về những chiến công chống Pháp oanh liệt của đồng bào Tây Nguyên, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ mai sau”.

Dự án tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên được tỉnh Đắk Nông khởi công xây dựng vào tháng 5/2015, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Đến tháng 7/2017, UBND tỉnh chuyển giao dự án trên cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (nay là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh) làm chủ đầu tư.

Công trình có tổng diện tích xây dựng 5,9 ha, nằm trên đồi Đắk Nur (phường Nghĩa Đức, huyện Gia Nghĩa).

Tại thời điểm khởi công, dự án được công bố có tổng kinh phí 146 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Sau hơn 7 năm xây dựng, tháng 12/2022, báo Đắk Nôn cho hay công trình có kinh phí hơn 167 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 gồm móng, hệ thống chống sét, phần mỹ thuật trị giá 67,7 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của người dân trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, ngân sách địa phương và trung ương.

Hạng mục trung tâm – tượng N’Trang Lơng cao 13 m; phù điêu cao 5,5m, rộng 27m; phần đế dài 27 m. Toàn bộ phần tượng và phù điêu được chế tác từ đá xanh chuyển về từ tỉnh Thanh Hóa.

Thi công xong phần móng hơn 1,7 tỷ đồng mới biết bị thiếu tải trọng

Trong quá trình xây dựng, dự án gặp nhiều vấn đề về huy động vốn, chậm tiến độ, sai sót về thiết kế. Theo kế hoạch ban đầu, công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Năm 2017, phần móng thi công xong mới được phát hiện bị tính thiếu tải trọng của phần bê tông gắn phù điêu. Trọng tải của tượng đài và phù điêu là 2.052 tấn trong khi tải trọng chịu đựng của phần móng đã xây dựng là 1.123 tấn (bị vượt tải trọng 929 tấn). Tổng kinh phí 1,711 tỷ đồng đã giải ngân xong để thi công phần móng này.

Ngoài việc tải trọng phần móng không đạt, chất lượng bê tông và mẫu thiết kế của hạng mục cũng không bảo đảm. Sau khi thẩm tra, kiểm định hạng mục móng, xác định có đến 9/10 vị trí không đạt chất lượng bê tông, mẫu để tiếp tục thi công và có 1/3 sàn móng không đạt yêu cầu.

Sau đó, đại diện Sở VH-TT&DL – Phó giám đốc Phan Công Việt thừa nhận do đơn vị không có chuyên môn về xây dựng nên khi được giao cho làm chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn thẩm định và đầu tư Công nghệ Gia Lộc để thẩm định dự toán dự án.

Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 5 đơn vị gồm: Sở VH-TT&DL; nhà thầu thi công; đơn vị tư vấn quản lý dự án; đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng; đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu thi công. Mức phạt tổng cộng 455 triệu đồng.

Cùng năm, UBND tỉnh chuyển dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (nay là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh) làm chủ đầu tư.

Tính tới thời điểm công trình gặp sự cố, UBND tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh góp vốn xây dựng tượng đài được hơn 16 tỷ đồng; tỉnh vẫn tiếp tục kêu gọi.

Nguyễn Sơn