Tắm biển được chưa, tắm ở đâu, đánh cá được chưa, ăn cá an toàn chưa – là các vấn đề chính được người dân quan tâm và chờ câu trả lời từ các cơ quan chuyên môn kể từ khi xảy ra thảm họa cá chết tại miền Trung.  

cong bo danh gia bien mien trung formosa bien chua an toan
Formosa gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Vào lúc 8h sáng nay (22/8), tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN-MT, Viện hàm lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt vào tháng 4/2016.

Theo ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN-MT, hội nghị công bố kết quả đánh giá vào sáng nay không phải là buổi công bố chính thức biển an toàn, mà là công bố hiện trạng biển cho đến thời điểm hiện tại.

Kết luận về tình trạng môi trường biển và về chất lượng hải sản

Bản báo cáo nêu cụ thể kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do GS.TS Mai Trọng Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày.

Theo nội dung bản báo cáo, các thông số đặc trưng của chất lượng nước biển của cả 2 lần quan trắc được tiến hành vào tháng 5 và tháng 6/2016 đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Đối với các thông số được xác định là nguyên nhân gây ra sự cố (Phenol, Xyanua, Sắt): Xyanua và Sắt đều có xu hướng giảm từ tháng 5 đến tháng 6/2016; tổng Phenol tăng từ tháng 5 đến tháng 7/2016 và giảm trong tháng 8/2016.

Đối với chất lượng nước tại các bãi tắm, cơ quan chức năng đã tiến hành quan trắc tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh, theo kết quả báo cáo, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam – đạt quy chuẩn cho vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Tuy nhiên, theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, tại một số khu vực có dòng xoáy cục bộ như: Sơn Dương (Hà Tĩnh – khoảng 300 km2), cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình – 330 km2), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế – 160 km2), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn, nên cần tiếp tục được theo dõi.

Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4 đến 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.

Những dấu hiệu tích cực

Theo bản báo cáo của các nhà khoa học tại hội nghị, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.

Vào thời điểm tháng 5/2016, tất cả các rạn san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng thì đến cuối tháng 6/2016, san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên. Cuối tháng 4/2016, kết quả khảo sát về cá biển cho thấy không có một con cá nào sống dưới đáy biển tại các điểm khảo sát ven bờ thì đến tháng 6, tháng 7/2016, đã xuất hiện nhiều cá có kích thước nhỏ ở tầng đáy.

Riêng vấn đề bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển được xác định là đã an toàn (trừ các vùng xoáy ở Bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ – Quảng Trị và Chân Mây – Thừa Thiên Huế).

chua cong bo chinh thuc bien an toan sau tham hoa formosa
San hô ở hòn Sơn Dương chết khoảng 35-40% do thảm họa, phổ biến là loài Acropora, san hô khối phủ Montipora. (Ảnh: Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam)

Nhiều kết luận trong báo cáo còn chung chung

Trao đổi về nội dung báo cáo tại hội nghị, PGS. Nguyễn Văn Hợp (ĐH Khoa học Huế) cho rằng, báo cáo chưa đề cập đến nguồn thải từ Formosa, chưa nói rõ bộ phận nào thải ra Xyanua, bộ phận nào thải Phenol, thải ra môi trường bao nhiêu tấn?

Cũng theo ông Hợp, báo cáo cho thấy một số chất độc giảm dần theo thời gian nhưng còn thiếu sự so sánh với các vùng không bị ô nhiễm như Thanh Hóa, Quảng Nam thì lượng độc tố thế nào.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ tịch hội thiên nhiên môi trường biển, nghiên cứu cần tập trung để trả lời các câu hỏi về vấn đề thực tiễn mà người dân quan tâm là biển đã an toàn chưa, đánh cá được chưa, đánh ở khu vực nào, ăn cá an toàn hay chưa.

Ông Lê Minh Ngân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng nêu thắc mắc, với kết luận tiếp tục giám sát và quan trắc thường xuyên tại khu vực Sơn Dương, cửa biển Nhật Lệ, hòn Sơn Chà thì cá biển được người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được hay chưa. Ông Ngân cho rằng câu hỏi này “chúng tôi đã đặt ra nhiều lần và đến thời điểm này vẫn chưa trả lời được”.

Cá biển đã an toàn hay chưa – cần chờ thêm nghiên cứu

Liên quan đến việc cá đã ăn được chưa, theo Tiến sĩ Schroeder- chuyên gia người Đức tham dự hội nghị, dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống ở tầng đáy nhưng Bộ Y tế cần tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là cá ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng Phenol khá cao. Theo Tiến sĩ Schroeder, sắp tới cũng cần gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến hơn để có kết quả đối chứng, khi đó, kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, báo cáo vừa công bố chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi của người dân 4 tỉnh miền Trung là cá đã ăn được chưa, biển đã sạch chưa nhưng cũng đã cung cấp cho người dân những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại, các quy luật tự làm sạch của biển, các vùng xoáy còn Phenol. Sau hội nghị này, các nhà khoa học sẽ công bố những con số chính xác khu vực nào của biển đã an toàn, khu vực nào chưa an toàn.

Theo ông Hà, Bộ Y tế, Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có những nghiên cứu để xác định chính xác chất lượng nước, chất lượng thủy hải sản để có công bố chính thức đến người dân khi biển đã thật sự an toàn.

Từ ngày 6/4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia tìm nguyên nhân sự cố. Sau gần 2 tháng, công ty Formosa thừa nhận là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

Hải Linh

Xem thêm: