Theo quy định, gia đình được nhận đất rừng là những gia đình có nhu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp để cải thiện đời sống, thoát nghèo… Thế nhưng, hơn 874ha đất rừng đã bị Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cấp sai đối tượng cho gia đình các quan chức, cán bộ.

dien tich dat rung giao sai doi tuong
Nhiều diện tích đất rừng giao sai ở huyện Krông Năng đến nay vẫn chưa thể thu hồi. (Ảnh: baodaklak.vn)

Theo khoản 2, Điều 2, Nghị định 135 ngày 8/11/2005 của Chính phủ Việt Nam về giao khoán đất lâm nghiệp: người nhận khoán được ưu tiên là dân tộc thiểu số tại chỗ, gia đình dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cư trú tại nơi có nhu cầu nhận giao khoán đất, gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp.

Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (thuộc Sở NN&PTNT Đắk Lắk) lại giao khoán đất lâm nghiệp sai quy định cho gia đình các quan chức, cán bộ huyện và xã… với tổng diện tích hơn 874ha.

Thanh tra Chính phủ hồi năm 2012 kết luận có 6 nhóm gia đình được giao sai gồm:

  • Gia đình bà Mai Thị Hải Yến (vợ ông Phạm Minh Sơn, cựu chủ tịch UBND huyện Krông Năng) hơn 143ha;
  • Ông Trương Công Đản (cựu phó trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng) hơn 62ha;
  • Bà Triệu Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Kim Liên, cựu chủ tịch UBND xã Cư Klông) 80,6ha;
  • Ông Nguyễn Minh Trình và ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng) hơn 63,5ha.
  • Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và Ea Púk) hơn 525ha.

Đến nay, sau 8 năm, Ban quản lý rừng mới thanh lý hợp đồng, thu hồi được 655,1ha rừng giao sai đối tượng; còn 219,8ha, trong đó gia đình ông Sơn còn giữ lại 58,5ha, gia đình ông Liên 80,6ha, ông Nguyễn Minh Trình 45ha… chưa thu hồi được.

Ông Trần Minh Châu – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng khẳng định việc thu hồi diện tích đất cấp sai cho gia đình cán bộ, lãnh đạo gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Minh Tiến – Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cho biết, Ban Quản lý đã mời các gia đình giao nhận đất rừng sai đối tượng lên yêu cầu thanh lý. Tuy nhiên, họ không chịu thanh lý.

“Việc giao khoán này là do các đời lãnh đạo trước thực hiện và chịu trách nhiệm. Hiện nay, các nhóm gia đình mua bán tràn lan khiến cho tình hình ngày càng phức tạp. Cùng với đó, nhiều gia đình nhận khoán là cán bộ huyện, con cháu, anh em của cán bộ nên trước đây lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng không chịu xử lý”, ông Tiến nói.

Ông Phạm Minh Sơn, cựu chủ tịch UBND huyện Krông Năng (có vợ đứng tên nhận khoán hơn 143 ha đất rừng) cho rằng Thanh tra Chính phủ cần xem xét lại tính chất lịch sử thời điểm giao khoán rừng và đất rừng.

“Thời kỳ đó, người dân chưa mặn mà với việc nhận đất, nhận rừng nên gia đình ông đã xung phong nhận đất, nhận rừng để canh tác. Gia đình ông đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc, vay vốn ngân hàng để trồng cây, gây dựng nên tài sản như hiện nay”, ông Sơn nói trên tờ Tuổi trẻ.

Còn ông Nguyễn Kim Liên, cựu Chủ tịch UBND xã Cư Klông (có vợ đứng tên nhận khoán hơn 80,6ha đất rừng) nói trên tờ Tài nguyên và Môi trường vào hồi năm 2018 rằng, ông đang có nhu cầu bán 35ha/80,6ha với giá 3 tỷ đồng.

“Nếu muốn mua đất này mà không bị thu hồi thì cách lách luật là thảo ra một bản hợp đồng liên kết sản xuất “giả” giữa người mua đất với tôi. Tôi là người hiểu luật nên biết cách lách. Các anh cứ yên tâm”, ông Liên nói.

Được biết, một người dân ở thôn Tam Thịnh (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) được mệnh danh là “đại gia” về mua bán đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý tiết lộ: “Đây là đất trắng chưa có sổ xanh, mỗi ha tôi chuyển nhượng cho người ta 80 triệu đồng/ha. Để làm trên đất này mà không bị thu hồi, tôi sẽ làm giấy ủy quyền cho người mua và nhờ xã công chứng. Mỗi khi đã trồng cây lên đó thì ai muốn thu phải bồi thường về cây. Tôi không chỉ bán đất rừng nhận giao khoán cho người dân mà còn bán cho cả cán bộ công an huyện”, người này nói.

Minh Long