Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã dành hơn 2 phút để trả lời 3 câu hỏi chất vấn mà Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đưa ra liên quan đến vấn đề rừng, thủy điện… Thế nhưng sau khi trả lời xong, bà Ksor H’Bơ Khăp không đồng ý và nói thẳng: “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho rằng Bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà có nghe nhưng không hiểu bà nói gì. Câu hỏi bà đưa ra Bộ trưởng chưa trả lời. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) hôm 6/11 chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà: “Bộ trưởng nói thủy điện nhỏ không có lỗi trong đợt bão lũ, sạt lở vừa qua, mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?”.

“Theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”, bà Ksor H’Bơ Khăp nói.

Với nội dung chất vấn này, ông Hà khẳng định: “Tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. Tôi nói rằng con người là nguyên nhân”.

Ông Hà cho rằng mất rừng không có nghĩa là cứ nghĩ đến thủy điện. Thủy điện không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả do các việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên.

“Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê, không thể thay thế được hệ sinh thái rừng tự nhiên”, ông Hà nói.

Trước đó hôm 5/11, giải trình trước nhiều đại biểu quốc hội về vấn đề mưa lũ tại miền Trung và thủy điện, ông Hà đã đưa hàng loạt dẫn chứng như: “thế giới đang chịu tác động biến đổi khí hậu với cường độ và tần suất thiên tai xảy ra tăng gấp 4 lần trong 40 năm”, “Việt Nam là một trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan”, “miền Trung những ngày qua mưa rất lớn, khu vực này đều nằm trong các đới đứt gãy địa chất”… để khẳng định: “Chúng ta kết luận do thuỷ điện, thì ở đây chưa có vấn đề do thuỷ điện… Không phải lỗi của thuỷ điện nhỏ”.

Câu hỏi của tôi, Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì

Với phần trả lời từ ông Hà, bà Ksor H’Bơ Khăp không đồng ý. Bà nói: “Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời”.

Sau đó, vị nữ đại biểu này phân tích 3 câu hỏi đã nêu và “gợi ý” Bộ trưởng cách trả lời.

Với câu hỏi “Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không?”, bà Ksor H’Bơ Khăp cho rằng câu hỏi chỉ có thể trả lời là “có” hoặc “không” chứ không có “nhưng“.

Còn câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay?”, nữ đại biểu cho hay nó liên quan đến việc sạt lở vừa qua ở miền Trung, không tự nhiên mà trời mưa được, không tự nhiên mà địa chất đứt gãy.

“Bộ trưởng có nói trong hội trường này rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất, đấy chính là lý do của việc sạt lở. Tức là cây rừng tự nhiên đã mất đi từ lâu rồi, không có sự cải tạo đất nên gây ra địa chấn và vấn đề môi trường. Trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá vấn đề môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng là có sai sót nên mới gây ra hậu quả như ngày hôm nay”, bà Ksor H’Bơ Khăp nói.

Cuối cùng, với câu hỏi “trách nhiệm của Bộ trưởng”, đại biểu nhấn mạnh: “Câu hỏi này bộ trưởng cũng chưa trả lời”.

Hoàng Minh