Thời hạn, thời gian tố tụng thi hành án bị trễ hạn một cách thường xuyên; không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí là quên lãng; sự thao túng quyền lực của công tố và thẩm phán… là những tồn tại mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH), luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu trong buổi thảo luận tại về nhiệm kỳ vừa qua của các cơ quan tư pháp.

truong trong nghia 1
ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa, hồi tháng 3/2020. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao sáng 30/3, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa ngoài thừa nhận những kết quả đạt được trong hoạt động tư pháp,  đồng thời đã nêu lên nhiều những “mong mỏi và bức xúc” của cử tri đối với hoạt động xét xử và kiểm sát, hy vọng sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Theo ông Nghĩa, dù các tư tưởng, quan điểm cải cách tư pháp đã được luật hóa, trong Hiến pháp 2013, bổ sung trong các luật về tòa án, viện kiểm sát, hình sự, tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án… nhưng thực tế vẫn có những điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên chưa thay đổi tư duy, thói quen để phù hợp quy định mới.

Trong đó, nổi lên là vấn đề về nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa. Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố và thẩm phán, mà không phải bằng các chứng cứ và luận cứ khách quan.

Nhiều trường hợp người bị tạm giữ hay tạm giam theo luật định là những người chưa có tội nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn cả khi thi hành án. Có trường hợp nghi can bị chết khi bị tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử thì vẫn là khuyết điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng – theo ông Nghĩa.

“Các thời hạn, thời gian tố tụng thi hành án bị trễ hạn một cách thường xuyên, bao gồm cả tố tụng hình sự và dân sự, hành chính. Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí là quên lãng. Có những trường hợp bản án đã bị huỷ, sửa, sai sót, nhưng thẩm phán khi xét xử lại vẫn theo ý mình, bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa án cấp trên.

Có những bản án dựa trên những luận cứ sơ sài, bất hợp lý không xem xét chứng cứ toàn diện khiến cho đương sự rất bức xúc. Nhiều bản án thiếu đầu tư công sức, trí tuệ“, ông Nghĩa nói.

Những bất cập không chỉ đối với án dân sự, hình sự, mà còn tồn tại cả trong các vụ án kinh tế, thương mai. “Không ít doanh nhân trong và ngoài nước hết sức lo lắng khi những phán quyết trọng tài thương mại bị toà án huỷ bỏ vì những sai sót tiểu tiết hoặc những lý do khiến họ rất ngại khi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam”, theo ông Nghĩa.

Theo vị đại biểu là luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM, nhiệm vụ chủ yếu của ngành tư pháp là khôi phục công bằng trong những vụ việc bị bắt nạt, lừa đảo, xâm hại. “Công bằng phải được đảm bảo bằng công lý”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng chỉ rõ rằng liêm chính không tự dưng mà tới, mà cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất, là cùng với sự tu dưỡng của các cá nhân, nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất là ở mức trung bình trong xã hội. Ngay cả các nước phát triển nhất, quan tòa không thể giàu nhưng nhà nước cũng không để họ thuộc diện đói nghèo.

“Năm 1986, GDP đầu người của Việt Nam gần 100 USD/năm, đến năm 2020 là khoảng 3.500 USD/năm, thử hỏi lương của thẩm phán, kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?” – luật sư Nghĩa đặt câu hỏi.

“Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng, cùng với một quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài, tôi tin rằng, cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước. 

Đó là: người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ, dù họ giàu hay nghèo; và công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán, như Nguyễn Du đã từng miêu tả trong Truyện Kiều thời xưa. 

Khi đó người dân không cần xem phim Bao Công bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương bằng thịt”, ông Nghĩa chỉ ra điều khuyết thiếu trong xã hội Việt.

Báo cáo oan sai: Thống kê sai hay do báo chí?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) chỉ rõ trong khi Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đọc báo cáo ở Quốc hội ngày 25/3 cho rằng không có oan sai trong xét xử, thì ngày 26/3, báo chí đưa tin về trường hợp bị TAND TP Cà Mau kết án án sai vào ngày 14/7/2016, tội “Cố ý gây thương tích”. TAND TP Cà Mau đang là bị đơn trong vụ án bồi thường oan sai này, bị kiện đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng.

“Vậy công tác thống kê báo cáo oan sai là sai hay báo chí đưa tin sai?”, ông Phương đặt câu hỏi, và cho rằng đây là vụ án nằm trong thời điểm của nhiệm kỳ Quốc hội 14.

“Không án oan sai hay chưa phát hiện oan sai, hay chưa có văn bản của nhà nước để minh chứng oan sai về mặt pháp lý”, ông Phương đặt câu hỏi chất vấn.

Ngoài ra, ông Phương còn chỉ ra bất cập về thời hạn xét xử. Theo ông Phương, trang 7 của Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao nêu “đã có sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp để đảm bảo đúng thời hạn xét xử”.

Tuy nhiên, ở Tây Ninh, một vụ án giết người xảy ra cách đây 4 năm, xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 20/112017. Án bị huỷ nên xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 1/7/2019. Nhưng 21 tháng trôi qua, phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa mở được, và chưa biết khi nào được mở lại. “Cử tri rất mệt mỏi trông chờ. Con em họ kêu oan, bị gia hạn tạm giam nhiều lần theo năm tháng”, ông Phương nói rõ.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/phap-luat/ong-luu-binh-nhuong-co-ty-le-oan-sai-thi-lieu-co-hay-khong-co-ty-le-cong-ly.html