Với việc thu hẹp từ 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuống còn 2 bộ tại lớp 2, 2 bộ sách đã “biến mất” chỉ sau một năm sử dụng. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Quỳnh Mai Dung nêu rõ điều này không chỉ gây lãng phí khoảng hơn 80 tỷ đồng mà còn tạo khoảng trống đối với tư duy mà trẻ lớp 1 đã được dạy. 

dbqh hai bo sgk lop 1 bien mat vi thi phan lang phi hon 80 ty dong 1
Học sinh Trường Tiểu học Số 1 Nam Phước (Quảng Nam) trong một buổi khai trường, tháng 9/2022. (Ảnh minh họa: Công đoàn Trường Tiểu học Số 1 Nam Phước/Facebook)

Tại cuộc thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 31/10 xoay quanh nội dung “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, vấn đề lãng phí với sách giáo khoa được một số đại biểu nêu lên, nhận định đây “sự lãng phí lớn của xã hội” (lời của ĐBQH Lê Hữu Trí – Đoàn Khánh Hòa).

Hai bộ sách “biến mất” do quy luật của thị trường – nhưng còn học sinh, phụ huynh và nhà trường?

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) cho hay trong năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa, trong đó có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 3 bộ sách Cánh diều là của 3 Nhà xuất bản khác.

Năm 2021, việc đổi mới sách giáo khoa tiếp tục ở lớp 2, lớp 6. Nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ còn phát hành 2 bộ sách giáo khoa là “Bộ Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Còn 2 bộ sách giáo khoa là “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” thì đã biến mất với 1 năm tuổi thọ.

Việc 2 bộ sách này bỗng dưng biến mất đã được Nhà xuất bản Giáo dục giải thích là muốn hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ sách tốt hơn và tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa, giấy đồng bộ với sách cũng như học liệu điện tử.

dbqh hai bo sgk lop 1 bien mat vi thi phan lang phi hon 80 ty dong 0
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra lỗ hổng lớn khi điều chỉnh các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 lên lớp 2, ảnh hưởng tới tư duy của trẻ, kinh tế của gia đình, thời gian của giáo viên. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, bà Dung chỉ ra rằng khi nhìn vào thị phần của 4 bộ sách thì 2 bộ sách biến mất là Bộ “Cùng học để phát triển năng lực” chiếm 14% thị phần, Bộ “Vì sự phận bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” chỉ chiếm 8% thị phần. “Một số người đã nhận định việc 2 bộ sách này bỗng dưng biến mất là do thị phần thấp và đó là quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề đặt ra khi hai bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị biến mất là gì?” – bà Dung nêu.

Với việc 2 bộ sách “biến mất” nêu trên, bà Dung cho hay với việc khối 1 cả nước ước tính có khoảng 2.000.000 học sinh, như vậy là sẽ lãng phí khoảng gần 450.000 bộ sách lớp 1 và khoảng hơn 80 tỷ đồng tiền sách giáo khoa. “Và với những triết lý mà các học sinh lớp 1 đã được học và năm sau thì lại không học nữa, vậy thì lại nhập môn một triết lý mới hay sao?” – bà Dung đặt câu hỏi.

Nguy cơ biến động về sách giáo khoa tiếp tục được đặt ra khi năm 2022-2023, ngành giáo dục sẽ tiếp tục lộ trình đổi mới sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Bà Dung cho rằng việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cùng một chương trình được xem là một lợi thế, nhưng đồng thời cũng tồn tại những bất cập, như việc nhiều trường học chọn cùng lúc các đầu sách trong các bộ sách giáo khoa khác nhau khiến phụ huynh gặp khó khăn khi mua sách cho con vào đầu năm học, giáo viên cũng bị động, quá tải trong việc phải đọc, lựa chọn quá nhiều bộ sách khác nhau.

“Ngoài ra, còn phải kể đến giá sách giáo khoa đắt nhiều lần so với sách giáo khoa hiện hành và mỗi trường lại chọn nhiều bộ sách khác nhau, nên nếu có trường hợp học sinh chuyển trường thì lại phải mua bộ sách khác, bởi vì chương trình khung giống nhau nhưng việc học thời lượng rồi trước hay sau thì lại khác nhau, gây lãng phí rất nhiều khi kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn” – bà Dung chỉ ra.

Bên cạnh bất cập về nhiều bộ sách giáo khoa, bà Dung cho rằng còn bất cập về “tổ hợp môn”. Bà Dung dẫn chứng ngay từ chị gái mình – một giáo viên dạy Vật lý, nay phải học thêm về Hóa học để dạy tổ hợp, mà phải học theo chương trình mới, học bằng tiếng Anh, “thực sự một lượng công việc rất lớn”.

Có tình trạng do không đủ giáo viên để đáp ứng được theo yêu cầu, có những môn học có đến 2-3 giáo viên cùng giảng dạy và kiểm tra định kỳ điểm số, nhận xét cho học sinh các giáo viên cũng phải thực hiện chung. Bà Dung nhận định bất cập này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho rất nhiều giáo viên phải nghỉ việc, gây lãng phí nguồn lực.

Trước việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2023 về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông – bà Dung tỏ ra đồng tình và cho rằng “những gì đang diễn ra đã gây rất nhiều lãng phí thì cần phải điều chỉnh ngay trước khi Quốc hội thực hiện giám sát” để tránh tình trạng lãng phí về nguồn lực của Nhà nước, tiền của, thời gian của người dân, của giáo viên.

Cần đánh giá rõ hơn về sai phạm trong mua sắm trang thiết bị giáo dục

dbqh hai bo sgk lop 1 bien mat vi thi phan lang phi hon 80 ty dong
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị bổ sung nội dung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục. (Ảnh: quochoi.vn)

Góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục.

Ông Châu cho hay trong những năm qua, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục rất lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, bất cập, những số liệu cụ thể được nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các báo cáo giám sát của các địa phương đã chỉ ra như bất cập trong công tác xây dựng dự toán, phân bổ nguồn vốn, giải ngân; các chương trình, đề án, dự án đại học trực thuộc trên cả nước còn thực hiện chậm; nhiều dự án ký túc xá không hiệu quả; việc in ấn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, lãng phí.

“Việc sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị ở nhiều địa phương còn để xảy ra nhiều sai phạm xử lý hình sự. Trong Báo cáo giám sát đánh giá nhưng chưa rõ nét, nhất là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại Mục c, trang 6 Báo cáo giám sát” – ông Khánh nêu.

Ông Khánh đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục trong Báo cáo hoặc trong dự thảo Nghị quyết, chỉ rõ những hạn chế, bất cập để thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm cho thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Quân