Chỉ tính riêng tại Đồng Nai hàng ngàn công nhân nộp đơn thất nghiệp, dân thắt lưng buộc bụng vì không có tiền chi tiêu, nhưng doanh nghiệp nhà nước như EVN vẫn lỗ hàng chục ngàn tỷ mỗi năm, dự án cổng chào, tượng đài vẫn được triển khai… là những bất cập được đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu lên.

dbqh le thanh van dan kho khan xay tuong dai de ca ngoi gi
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chiều 25/5, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho hay, tác động mạnh của bên ngoài làm bức tranh 6 tháng đầu năm của nước ta có ảm đạm như số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số công nhân thất nghiệp tăng.

Dẫn minh chứng, ông Vân cho hay: “Chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận đến 22.000 hồ sơ thất nghiệp”, ông Vân nói.

Có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nói có giai đoạn 2 tuần liền không bán được món hàng nào. “Như vậy là cầu trong nước rất giảm. Do khó khăn người dân phải thắt lưng buộc bụng, tiền thuê nhà công nhân không có, lương thì không có, doanh nghiệp thì nợ, vậy thì lấy đâu ra chi phí cho sinh hoạt, tiêu dùng”, ông Vân nêu thực trạng.

Ông Vân nhận định bối cảnh thế giới, do chiến tranh, do đại dịch, mâu thuẫn giữa các nước lớn gây tác động đến cung-cầu. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam trồi sụt theo tình hình thế giới. Tuy nhiên, về nội tại, ông Vân cho rằng gốc rễ của vấn đề là cán bộ. “Chất lượng thể chế đã kém rồi, chất lượng cán bộ càng kém hơn. Đó là gốc rễ của [các vấn đề] nội tại, chứ không phải là do sự vận hành của các thiết chế về doanh nghiệp, về dân sự đâu”, ông Vân đưa ra ý kiến.

Vị đại biểu đoàn Cà Mau nêu thực tế kinh tế khó khăn, dân chắt chiu như vậy, nhưng nhiều dự án cổng chào, tượng đài vẫn triển khai. “Trong lúc dân khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, đói kém như vậy thì xây tượng đài để ca ngợi cái gì?”, ông Vân băn khoăn.

Về sản xuất trong nước, ông Vân chỉ ra tình trạng lãng phí trong sản xuất điện, khi Việt Nam rất có lợi thế trong sản xuất điện gió nhưng gần đây mới đưa vào Quy hoạch điện VIII, mà không đưa vào Quy hoạch điện VII.

“Vì vướng mắc cơ sở pháp lý nên một loạt doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió không được hòa mạng. Chúng ta thừa điện. Có những doanh nghiệp phải đóng cửa, chạy chỉ để duy trì kỹ thuật nhưng không hòa vào mạng lưới được. Lãng phí như thế ai chịu trách nhiệm?”, ông Vân nêu.

Trong khi đó, ông Vân cho hay Việt Nam đã xác nhập sẽ nhập khẩu lâu dài điện từ Trung Quốc, Lào. “Có buồn không? Tại sao như vậy? Giá thành của họ giảm thì tại sao chúng ta không kiểm tra xem có giảm được giá điện không? Trong khi đó Việt Nam có thể xác định là một cường quốc điện gió, điện mặt trời. Nhưng vì sao chúng ta không sản xuất được điện để cung ứng trong nước mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc? Vì sao lại xác đinh nhập khẩu từ Trung Quốc là lâu dài?”, ông Vân nêu.

Ngoài hàng loạt câu hỏi nêu trên, ông Vân cho rằng cần phải trả lời về việc EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. “Giờ cần xem mấy ông quan chức chỗ EVN đời sống họ như thế nào? Lỗ như thế nhưng chi tiêu của các ông ấy như thế nào?” – ông Vân nêu một trong số những điều nổi cộm.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Vân nhắc lại chất lượng thể chế, chính sách pháp luật không ổn định. “Thể chế là gì? Thể chế là cơ chế vận hành của cả hệ thống bộ máy. Thể chế căn bản nhất của chúng ta là Hiến pháp, đó là những quy định chung nhất, còn định ra thành pháp luật là nhiệm vụ của Chính phủ, của Quốc hội. Nhưng thể chế hóa bằng pháp luật ấy lại không rõ” – ông Vân nêu.

Dẫn ý kiến của một đại biểu, rằng “vòng đời của luật quá ngắn”, ông Vân đồng tình, cho rằng điều này cho thấy tầm nhìn lập pháp của ta, tư duy chiến lược quá ngắn, “ăn đong”, hành dân và khổ doanh nghiệp. “Một động lực là bất động sản thôi mà có thể tháo gỡ được 40 ngành nghề. Nhưng mà cứ “om” thế, vì thủ tục hành chính, vì đang bị thanh tra. Có doanh nghiệp bảo thanh tra nhanh cho chúng tôi làm việc, mà cứ “om” như thế” – ông Vân nói.

Bên cạnh vấn đề về chính sách là nhân sự, chất lượng cán bộ yếu kém. Theo đại biểu Vân, chủ tịch này nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng chủ tịch nhiệm kỳ sau lại thu hồi dự án, trong khi họ bỏ vào hàng trăm tỷ đồng vào dự án đó rồi. “Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, đại biểu Vân nêu quan điểm, cho rằng về lâu dài phải nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước.

Nói về đầu tư nước ngoài, ông Vân cho rằng Việt Nam đang đối diện với luật chơi mới là “thuế tối thiểu toàn cầu”. Ông Vân cho rằng nếu Việt Nam không thích ứng thì hàng loạt doanh nghiệp FDI sẽ bỏ đi, mất quyền đánh thuế 15% và mất đi nguồn thu để đưa ra thỏa thuận hỗ trợ mới với doanh nghiệp.

Nguyễn Minh