Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay sáu loại quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

gia xang ron 95
Đề nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu. (Ảnh: Gia Bảo)

Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ, chưa có các cơ quan cả ở trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ này.

Theo ông Hải, nguồn thu hình thành các quỹ tài chính còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước khi chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, hoặc trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể; tỷ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp.

Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao khi nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách. Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.

Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ.

Hiệu quả hoạt động của một số quỹ còn hạn chế, chưa có hiệu quả hoặc căn cứ để đánh giá hiệu quả không rõ ràng, chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý. Quá nhiều quỹ tại địa phương (trung bình mỗi địa phương khoảng 10-15 quỹ),…

Từ bất cập trên, đoàn giám sát kiến nghị quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ này, giao Chính phủ ban hành Nghị định; đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ,…

Đồng thời, đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối 6 loại quỹ. Cụ thể:

Bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ ở Trung ương và địa phương vì toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hàng năm.

Bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và chuyển giao cho các tổ chức xã hội quản lý theo cơ chế tổ chức, hoạt động của các quỹ xã hội, từ thiện.

Bãi bỏ Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài do kinh phí hoạt động của 2 quỹ này hoàn toàn do ngân sách cấp, không có nguồn thu khác.

Bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và chuyển một số nhiệm vụ chi liên quan đến việc hỗ trợ việc làm ngoài nước vào nhiệm vụ chi của ngân sách.

Bãi bỏ Quỹ Phòng chống thiên tai vì việc chi thực hiện phòng chống thiên tai được cấp từ ngân sách, thông qua dự phòng ngân sách hàng năm.

Cùng với đó, đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ, như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng…

Đối với một số quỹ tài chính khác ở địa phương (như Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển đất, Quỹ bảo lãnh tín dụng…), đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối, giảm chi phí.

Đối với các quỹ về an sinh xã hội (BHXH, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp), đoàn giám sát đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với tinh thần cải cách chính sách BHXH và chính sách bảo hiểm y tế.

Hoàng Minh

Xem thêm: