Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đề xuất 8 điểm trông xe nằm trên cung đường metro Nhổn – ga Hà Nội chạy qua, bán kính 500m từ các nhà ga.

metro ga hanoi
Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đề xuất 8 điểm trông xe nằm trên cung đường metro Nhổn – ga Hà Nội chạy qua, bán kính 500m từ các nhà ga. (Ảnh: hanoitv.vn)

Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (công ty) vừa đề xuất Sở GTVT Hà Nội các điểm trông giữ phương tiện phục vụ vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thuý Hương, Phó giám đốc công ty cho biết đã khảo sát các tuyến đường, tuyến phố dọc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội để xác định vị trí điểm đỗ xe trong phạm vi bán kính 500m và đề xuất các điểm trông giữ phương tiện tại khu vực các nhà ga trên cao.

Theo đó, công ty đề xuất bốn điểm đã được cấp phép và đang trông giữ xe gồm: điểm đỗ xe Cầu Giấy (tại lòng đường cụt nút giao thông ngã ba Voi Phục, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); điểm đỗ xe La Thành (đối diện tòa nhà V-Tower, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); điểm đỗ xe gầm cầu Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy); điểm đỗ xe đảo phân cách giao thông cạnh gầm cầu Mai Dịch (đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đi Phạm Hùng, quận Cầu Giấy).

Bốn điểm mới được công ty đề xuất gồm: điểm đỗ xe phố Khúc Thừa Dụ (đoạn từ phố Cầu Giấy đến ngõ 45 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy); điểm đỗ xe đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn từ phố Trần Đăng Ninh đến phố Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy); điểm đỗ xe phố Trần Quý Kiên đoạn từ phố Cầu Giấy đến đường khu đô thị Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy); điểm đỗ xe hè đường Cầu Giấy dưới gầm cầu Đại học Giao thông Vận tải (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).

Metro Nhổn – ga Hà Nội: Nhà thầu đòi bồi thường 81 triệu USD

Trước đó, cuối năm 2021, để phục vụ hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông, liên ngành GTVT – Công an thành phố cũng đã khảo sát, bố trí phối hợp với Công ty Hanoi Metro đã bố trí 14 điểm gửi xe dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông để nhận trông xe của khách đi tàu đường sắt trên cao.

Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội với chiều dài 12,5 km, gồm có đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, trễ hẹn hơn 10 năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Đáng chú ý, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được sử dụng nguồn vốn ODA và bị đội vốn từ tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 18.408 tỷ đồng, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 36.000 tỷ đồng.

So với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là dự án được khởi công sớm hơn, nhưng đến nay vẫn trễ hẹn ngày vận hành khai thác thương mại.

Trước khi dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được khởi công, dự án này từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. Hà Nội đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội.

Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội lại trở thành một dự án chậm tiến độ và để lại nhiều tai tiếng. Thậm chí, nhiều người còn ví von đây là dự án “rùa bò” chậm nhất cả nước.

Theo kế hoạch, dự án metro Nhổn – Ga Hà Nội sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022. Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) là đơn vị vận hành các đoàn tàu.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, trong thời gian vận hành thử tối đa 2 tháng đầu tiên, nếu đơn vị vận hành không có thêm yêu cầu nhà thầu hiệu chỉnh, hoàn thiện nội dung liên quan thì được xác nhận hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại chính thức.

Kim Long