Công ty Thoát nước Hà Nội đề nghị bơm nước sông Hồng vào hồ Tây để giải quyết tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt tại hồ.

de xuat bo sung nuoc song hong de cuu ho tay
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng hồ Tây có thể sẽ thành hồ chết nếu nguồn nước không được cải thiện. Trong hình, cá chết nổi trắng mặt hồ. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 19/12, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”.

Theo ông Võ Tiến Hùng – chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hồ Tây đang đối mặt với vấn đề hạ thấp mực nước, cạn kiệt nguồn nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm.

Ông Hùng cho rằng mưa là nguồn cung cấp nước tự nhiên duy nhất vào hồ. Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến việc mất cân bằng nguồn cấp nước, gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ. Những hình ảnh ghi nhận giữa tháng 12 cho thấy có rất nhiều bãi nổi ven bờ.

Bên canh đó, hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, hiện nay vẫn phải hứng rác thải, phế thải. Theo kết quả phân tích mẫu nước hồ Tây (tại khu vực phố Nhật Chiêu) lấy trong tháng 10, 11, 12/2018, nước hồ đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ, các chỉ số COD, BOD5 đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Chỉ tiêu về hàm lượng amoni cũng vượt quy chuẩn cho phép. Hàm lượng tảo (Chlorophylla) cao và có xu hướng tăng lên.

ca chet ho tay
Tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây lặp lại nhiều lần kể từ 2016 tới nay. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Hùng nhận định: “Hồ Tây có thể biến thành hồ chết nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng”.

Theo ông Hùng, việc bổ cập nước cho hồ Tây là hết sức cần thiết. Công ty Thoát nước đưa ra 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch: 1/Nước ngầm thông qua các giếng khoan; 2/Nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; 3/Nước sông Hồng.

Công ty Thoát nước cho rằng việc bổ sung nước từ sông Hồng là phương án khả thi nhất. Lý giải về điều này, đại diện công ty cho hay bản chất hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa, trải qua quá trình ngưng đọng sau khi sông đổi dòng chảy mà thành. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Hồng lấy tại vị trị dự kiến dẫn nước về hồ Tây tháng 10 đến tháng 12/2018 cho thấy nước sông Hồng đạt tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt.

Để bổ sung nước sông Hồng cho hồ Tây, Công ty Thoát nước sẽ phải đầu tư xây dựng trạm bơm đặt ở sát mép sông, làm tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua ngõ 464 Âu Cơ, qua đê, đi theo đường Lạc Long Quân, vào ngõ 612 Lạc Long Quân và đi vào lòng mương tiêu cạnh công viên nước hồ Tây. Ngoài ra, công ty sẽ tận dụng tuyến mương tiêu để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trong hồ cạnh công viên nước trước khi đưa nước vào hồ.

Lộ trình thực hiện cũng như kinh phí không được Công ty Thoát nước đưa ra tại tọa đàm.

Ý tưởng “thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng” như trên không mới. Năm 2001, Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” với chi phí dự kiến 32 triệu USD (vốn ODA), trong đó có hạng mục thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng. Do ý kiến không đồng tình của nhiều nhà khoa học và cử tri Hà Nội, các bộ ngành liên quan, dự án không được chấp nhận.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa xem xét việc đầu tư hạng mục nói trên, đồng thời cho hay: “Vấn đề cấp bách nhất là ngăn chặn, xử lý các nguồn nước bẩn chảy vào hồ”.

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, diện tích mặt nước hơn 500 ha, khoảng 10 triệu m3 nước, chu vi hiện tại là 16,4 km.

Kể từ năm 2016, cá hồ Tây bắt đầu chết hàng loạt. Số liệu công bố cho biết khoảng 200 tấn cá chết, nguyên nhân do toàn bộ nước mặt trong hồ không có oxy. Tình trạng cá chết diễn ra nhiều lần, kéo dài tới hiện tại. Tháng 7/2018, tiếp tục hơn 20 tấn cá chết nổi trắng mặt hồ.

Báo cáo nghiên cứu của Đỗ Văn Tứ, Lê Hùng Anh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 4 (2011) nhận định “số lượng loài, mật độ, sinh khối, chỉ số đa dạng tại các điểm thu mẫu đều ở mức rất thấp. Chỉ số đa dạng ở mức rất thấp thể hiện chất lượng nước của Hồ Tây đang ở mức độ rất ô nhiễm“.

Nguyễn Quân

Xem thêm: