Sở TN&MT Hà Nội đề nghị trong những ngày không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300), các em thuộc các trường mầm non, tiểu học có thể nghỉ học.

ô nhiễm không khí, bụi mịn
Không khí luôn bị che mờ dù là ban ngày. (Ảnh: Shutterstock)

Chiều ngày 18/12, Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, chất lượng không khí tại thành phố nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước.

Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 – 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng).

Cụ thể, tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy buổi sáng (từ 5h00-12h00) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm” – ông Định nói.

Ông Định cũng cho hay có 12 nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Trong đó chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác rơm rạ.

Bên cạnh đó, chất lượng không khí Hà Nội cũng suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình đa dạng với núi thấp, khu vực nội thành là vùng trũng thấp dẫn đến tích tụ, khó khăn trong lưu thông không khí. Hơn nữa, tháng 12 đến tháng 1 là lúc lượng mưa ít, lặng gió nên chất lượng không khí đặc biệt xấu.

Ông Định đánh giá năm 2019 xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, trong khi đó nguồn thải vẫn giữ nguyên, gây khó khăn cho việc phát tán chất gây ô nhiễm.

>> Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới, AQI ở mức “Nguy hiểm”

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi Thành ủy có nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp. Tuy nhiên, vẫn có đơn vị buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt các nguồn thải, thậm chí làm gia tăng nguồn thải gây ô nhiễm không khí.

Điển hình, có tình trạng các xe chở vật liệu xây dựng, chở cát, gạch chưa đảm bảo tiêu chuẩn, che chắn,… cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra có vấn đề, chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao. Tương tự, việc thu gom rác, quét hút bụi vùng giáp ranh giữa các quận, huyện… vẫn còn đùn đẩy nhau, đó là vấn đề trách nhiệm của các đơn vị thu gom rác, quét hút bụi.

Rồi tình trạng cuối năm đào đường, đào làm vỉa hè. Hay việc thu gom rác, thực hiện thi công, yêu cầu đến 5h sáng phải trả lại sạch sẽ nhưng thực tế thực thi chưa được như vậy…” – ông Chung nói.

Đề cập đến các giải pháp ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đề nghị UBND Hà Nội giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình thi công, xây dựng, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu xử lý chất thải tập trung.

Sở cũng đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Theo đó, trong những ngày này, UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.

Ngoài ra, trong những ngày này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.

Sở cũng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu đánh giá các tác động ô nhiễm xuyên biên giới và các tỉnh thành lân cận của Hà Nội. Bộ cũng sớm trình Quốc hội, Thủ tướng ban hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong đó có các thông tư, hướng dẫn về xử phạt các các hành vi hủy hoại môi trường.

Sở cũng đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện và đẩy nhanh các dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội để giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Minh Long