Đó là ý kiến của Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa khi nói về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

truong trong nghia
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 25/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Ông Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) bày tỏ sự e ngại về phạm vi dự thảo luật quy định về bí mật nhà nước, tin mật còn quá rộng.

Ông Nghĩa lấy dẫn chứng tại điều 7 dự thảo luật quy định thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước; quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển; công nghiệp, thương mại… là bí mật nhà nước; còn chính sách đối nội, đối ngoại đáng lý cần phổ biến công khai và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước thì lại quy định là thông tin mật.

ĐB Nghĩa phân tích đặc trưng xã hội là thông tin thật nhanh, rộng, tiện lợi và miễn phí. Ở đâu càng có nhiều thông tin chứng tỏ xã hội đó càng phát triển nhanh chóng, đồng thời tăng năng suất lao động và giá trị cho nền kinh tế.

Vì thế, ông Nghĩa đề nghị phân định rõ đâu là tin mật, đâu là bí mật nhà nước. “Nếu chúng ta làm không khéo mở quá rộng, hoặc đóng quá chặt thì không ai dám làm gì cả, không ai dám phổ biến gì” – vị ĐB này nói và cho rằng nếu luật này đưa vào sẽ tác động nhiều chiều, tiêu cực.

Vị ĐB này cũng đề nghị “thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải phổ biến rộng, không thể là bí mật được”.

Liên quan đến vấn đề trên, một số ĐB cũng đồng tình với việc cần công khai thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bỏ quy định thông tin sức khỏe cán bộ lãnh đạo là mật,…

Đây là lần thứ hai Quốc hội thảo luật về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trước khi thống nhất thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6.

Trước đó, tại buổi làm việc sáng ngày 11/7 trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng phạm vi của các bí mật nhà nước hiện quy định quá rộng, không cụ thể.

Các thông tin ký kết với nước ngoài thì người dân có được biết không, cái nào bí mật, cái nào không? Nếu ta bí mật nhưng nước ngoài công bố thì sao?” – ông Bình đặt vấn đề.

Còn bà Lê Thị Nga –  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tiêu chí xác định thông tin mật “nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” là không rõ ràng. Bà Nga đặt câu hỏi thế nào là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; nói là nguy hại rất lớn, nhưng đơn vị đo lường như thế nào?

Ngoài ra, cũng tại buổi thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay ngoài chuyện phát ngôn, còn có bí mật ở trong đầu các cá nhân.

Về hưu viết hồi ký lại rất phức tạp. Trung ương Đảng có kỷ luật về phát ngôn, về viết hồi ký. Tôi cho rằng cũng nên có điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các nhân vật nắm giữ bí mật nhà nước” – ông Hải nói.

Hoàng Minh

Xem thêm: