Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất xóa bỏ BOT Cai Lậy và cho thu phí lại đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

bot cai lay 40
BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thiện Nhân)

Bộ GTVT cùng đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có buổi làm việc tại trụ sở dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang).

Tại buổi làm việc, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho rằng việc hoàn thành cao tốc TP.HCM – Cần Thơ sẽ giải quyết triệt để ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, tạo động lực cho phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, dự án đi vào hoạt động sẽ khiến lưu lượng xe trên quốc lộ 1 sẽ giảm, dẫn đến nguy cơ không thể hoàn vốn được cho dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy. Chủ đầu tư tuyến tránh Cai Lậy sẽ gặp khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn tín dụng của ngân hàng tài trợ cho dự án.

Do đó, ông Thủy kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận giải pháp xóa trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Ông Thủy cũng cho rằng cần giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án tuyến tránh Cai Lậy quản lý, sử dụng nguồn thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương để đảm bảo việc vay và xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy.

Việc thu phí tại tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương được đề xuất giao cho Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1, đơn vị đầu tư dự án BOT Cai Lậy thực hiện.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,1km, thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.669 tỷ đồng.

Dự án được khởi công vào tháng 2/2015. Theo kế hoạch, sau 3 năm thi công (năm 2018), dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đã qua 4 năm, dự án mới chỉ đạt được 15% khối lượng công việc. Dự án sẽ khó hoàn thành tiến độ vào năm 2020 (sau điều chỉnh) và thậm chí đang đứng trước bờ vực đổ vỡ nếu hàng loạt nút thắt cơ chế, năng lực nhà đầu tư không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Theo đại diện công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, vướng mắc nổi cộm nhất tại dự án này hiện nay là phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được giải ngân.

Kim Long

Xem thêm: