TP.HCM sẽ xây mới 407 cây xăng trong đó có 345 cây xăng trên mặt đất và 62 cây xăng trên mặt nước – theo Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu tại khu vực thành phố từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên các quận vùng ven và huyện ngoại thành.

cay xang
Một cây xăng trên mặt nước trên sông Cần Thơ (TP Cần Thơ). (Ảnh minh họa/Flickr rau76)

 

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 6505/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên khu vực TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND được thành phố ban hành trước đó vào ngày 6/3/2007.

Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, toàn thành phố hiện có 638 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 532 cửa hàng đang hoạt động kinh doanh (tăng thêm 20 cửa hàng so với cùng kỳ năm 2014, tăng 31 cửa hàng xăng dầu so với năm 2013); 106 cửa hàng đã bị ngưng kinh doanh, di dời giải tỏa. Đây là kết quả sau khi thực hiện Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND của thành phố về phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu (hay còn gọi là cây xăng) trong giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020.

Theo quyết định mới ban hành, từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây mới 407 cây xăng, trong đó có 345 cây xăng trên mặt đất (có 35 địa điểm đang xây dựng, chưa xây dựng; 310 địa điểm định hướng đến năm 2030); 62 cây xăng xây dựng trên mặt nước. Số lượng các cây xăng sẽ được phân bổ cho từng quận, huyện, trong đó ưu tiên phát triển điểm bán mới cho các quận vùng ven và huyện ngoại thành TP.HCM. Cụ thể:

Xây thêm 345 cây xăng trên mặt đất tại các quận, huyện: Quận 2 thêm 22 cây; Quận 12 thêm 26 cây; Quận Bình Tân thêm 17 cây; Quận Gò Vấp thêm 11 cây; Huyện Bình Chánh thêm 51 cây,…

Xây thêm 62 cây xăng trên mặt nước tại các quận, huyện: Quận 1 thêm 2 cây; Quận 9 thêm 5 cây; Huyện Củ Chi thêm 10 cây; Huyện Nhà Bè thêm 11 cây,…

Như vậy, nếu tính gộp cả 532 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động kinh doanh và 407 cửa hàng xăng dầu được xây mới, tính đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 939 cửa hàng xăng dầu.

cay xang
Tính đến năm 2030, TP.HCM sẽ có gần 1.000 xây xăng toàn thành phố. (Nguồn: Quyết định số 6505/QĐ-UBND/UBND TP.HCM)

Ngoài ra, theo quyết định 6505, từ năm 2017, việc quản lý các cây xăng dựa trên việc phân loại các cây xăng theo các tiêu chí mới phù hợp với điều kiện tồn tại và phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này được cho là sẽ giúp các cơ quan quản lý thực thi tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong khi các chủ đầu tư cũng sẽ nắm được các điểm bán của mình đang nằm trong diện quy hoạch nào của thành phố.

Dự án đề xuất phân loại cây xăng dầu thành 4 loại A, B, C, D với tiêu chí và số lượng quy hoạch như sau:

cay xang
Bảng phân loại Cửa hàng xăng dầu trên khu vực thành phố theo các tiêu chí mới. (Nguồn: Quyết định số 6505/QĐ-UBND/UBND TP.HCM)

Theo dự báo của Sở Công thương TP.HCM, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố sẽ đạt 2,349 triệu m3, tăng lên mức 3,251  triệu m3 vào năm 2025 (gấp 1,3 lần) và 4,297 triệu m3 vào năm 2030 (gấp 1,8 lần).

Ngọc Long

Xem thêm: