Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra gần 8,4 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 3,8 nghìn người, bị thương trên 6,3 nghìn người. Bình quân mỗi ngày 56 người thương vong…

ô tô tải lật đè tử vong
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào sáng 23/7 trên QL5 đoạn qua khu vực Cầu Xây Lai Khê (Hải Dương). Ít nhất 6 người bị ô tô tải lật đè tử vong. (Ảnh: FB otofun)

Đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế nghiện ma túy

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra vào chiều 22/7, lãnh đạo một số địa phương nhận xét chế tài đối với tài xế vi phạm về nồng độ cồn, dùng ma túy còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe của người vi phạm giao thông dương tính với ma tuý. “Quy định thu giấy phép lái xe 6 tháng như hiện nay chưa hợp lý, bởi không đủ để người nghiện ma tuý đi cai nghiện. Hơn nữa, nhiều lái xe nghiện ma tuý không thể cai, khi có lại bằng lái vẫn có thể gây tai nạn”, ông Cương nói.

Ngoài ra, các ý kiến phản ánh tình trạng quy trình kiểm tra xử lý lái xe dùng ma túy mất nhiều thời gian. Việc kiểm tra sức khỏe tài xế hiện đều do tài xế tự đi khám mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng, nên xảy ra tình trạng gian lận. Có trường hợp tài xế nhờ người lấy hộ mẫu nước tiểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng tài xế dương tính với ma tuý rất khó cai nghiện. Nếu không tước bằng lái vĩnh viễn, họ sẽ tiếp tục gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh tồn tại là xử lý chưa nghiêm vi phạm, khiến tài xế “nhờn luật”.

Tăng câu hỏi sát hạch, gắn camera giám sát…

Báo cáo về công tác đào tạo lái xe, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong năm 2020, sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và bảo đảm theo dõi thời gian học lý thuyết pháp luật giao thông đối với học viên lái ô tô. Trong năm 2021, yêu cầu các cơ sở đào tạo trang bị và duy trì cabin học lái ô tô, bổ sung nội dung học lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Đáng chú ý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong tháng 7/2019 sẽ sửa đổi, ban hành bộ 600 câu hỏi thay bộ 450 câu hỏi dùng cho sát hạch cấp phép lái xe cơ giới đường bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nghệ An và Đà Nẵng) lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, bảo đảm kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh về Tổng cục, hạn trước 31/12/2019 có chia sẻ dữ liệu với các Sở GTVT và thực hiện trên toàn quốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết chế tài xử phạt các hành vi vi phạm giao thông sẽ được sửa đổi theo hướng nặng hơn. Ông Thể cam kết trong năm 2019 sẽ xóa tất cả “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ. “Sẽ lắp hệ thống camera ở những điểm có tình trạng xe dù, bến cóc, những ngã ba, ngã tư xung yếu, để tăng cường công tác xử phạt nguội các hành vi vi phạm”, ông Thể nói.

Bộ GTVT cho biết sẽ kết nối với Bộ Công an tất cả dữ liệu Bộ có từ thiết bị giám sát hành trình, camera và đề nghị Bộ Y tế kết nối luôn cả dữ liệu kiểm tra sức khỏe tài xế “để thống nhất trong công tác kiểm soát lái xe, bằng lái xe, các hoạt động liên quan đến vận tải”.

‘Điểm đen’ đăng kiểm, cấp phép đáng nguy hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kết quả bảo đảm ATGT trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn, người chết, bị thương, nhưng “chúng ta nên nhớ rằng còn có 8.000 người chết và đến 15.000 người bị thương” .

Ông Phúc nhận định còn một số tồn tại như xảy ra nhiều vụ tai nạn xe khách, xe tải nghiêm trọng. Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cho hay xuất hiện các “điểm đen” ngay chính tại cơ quan đào tạo, kiểm tra. “Đăng kiểm thì xe xấu thành xe tốt, đào tạo thì không nghiêm khắc”; “điểm đen” này còn nguy hiểm hơn “điểm đen” trên đường – Thủ tướng nhận định.

Lấy ví dụ, ông Phúc dẫn sự việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thu hồi giấy phép hoạt động đối với Trung tâm đăng kiểm 9803D tỉnh Bắc Giang do hành vi cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe kinh doanh vận tải. Về thực tế sát hạch, cấp bằng, ông Phúc cho hay “gần đây, báo chí nói nhiều về hiện tượng có những trung tâm đào tạo lái xe dễ tính đến nổi tiếng, có cả phương thức bảo đảm thi là đỗ”.

“Hậu quả khôn lường của người điều khiển không đủ tiêu chuẩn này rất nguy hiểm. Hồi trước tôi đã nói với anh Trương Hòa Bình là cần xử lý cả người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện “khoán trắng” cho lái xe, thúc lái xe chạy bất kể ngày đêm, gây tai nạn nghiêm trọng”, ông Phúc nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATGT. “Quy định hiện nay đã cao rồi nhưng chưa đủ răn đe, tôi đã trao đổi với anh Khuất Việt Hùng, cứ 80 mg/100 ml máu thì coi như chuyển hình sự rồi, chứ không phải hành chính bình thường nữa. Hay là nghiện ma túy, nghiện rượu, thu ngay vĩnh viễn bằng lái. Luật Xử lý vi phạm hành chính này phải sửa khung cao như một số nước. Phải sửa khung này, mang tính răn đe cần thiết, ít tốn kém mà lại hiệu quả cao”, ông Phúc cho hay.

Yêu cầu Bộ Công an chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác bảo đảm ATGT, cụ thể là cảnh sát giao thông không được nhận hối lộ và bao che sai phạm, các cơ quan thực hiện công tác bảo đảm ATGT, kể cả lực lượng thực thi công vụ và ngay trong các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về giao thông; công tác trong lĩnh vực xã hội khác cần kiên quyết nói không với tiêu cực, lợi ích nhóm.

Yêu cầu các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm, kịp thời các vụ vi phạm ATGT và yêu cầu quần chúng giám sát, phát hiện sai trái, bao che. “Người chết rõ ràng nhưng nói không có tai nạn; tôi biết Ủy ban ATGT quốc gia nhận được một số đơn kiến nghị vấn đề này”, ông Phúc chỉ ra.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, khiến 3.810 người chết, 6.358 người bị thương.

Thống kê trên đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2018, lần lượt giảm 641 vụ (tương đương 7,1%), giảm 311 số người chết (tương đương 7,5%), số người bị thương giảm 679 (tương đương 9,6%).

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng, CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 163.990 trường hợp, tạm giữ hơn 292.000 phương tiện.

Ngoài ra, 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy,… bị phát hiện xử lý.

Nguyễn Quân

Xem thêm: