Quy hoạch Sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 vừa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng công suất hệ thống nhà ga từ 25 triệu hành khách/năm lên 40-50 triệu hành khách/năm.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: hochiminhcityairport.com)
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: hochiminhcityairport.com)

Cụ thể, khu đất quốc phòng phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (khoảng 21ha) được quy hoạch làm sân đỗ máy bay, đường lăn, nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách lên khoảng 40-50 triệu hành khách/năm từ nay đến năm 2025.

Việc điều chỉnh trên do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng.

Theo đó, quy hoạch Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được điều chỉnh lại theo hướng: ngoài nhà ga lưỡng dụng đã có trong quy hoạch, sẽ nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 20 triệu hành khách/năm và một Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay trên khu vực nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân tại Tân Sơn Nhất.

Trước đó, trong lần công bố quy hoạch vào tháng 10/2015, sân bay Tân Sơn Nhất được dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 8 ha so với diện tích hiện hữu (tổng 598 ha), công suất 25 triệu lượt hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo quy hoạch tổng thể, đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn được xác định là cảng hàng không lớn nhất của cả nước.

Chống quá tải, chống ngập, chống ùn

Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang diễn ra nghiêm trọng ở cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sẽ đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng triển khai nhiều dự án cầu vượt, xây đường trên cao.

Trong đó, dự án xây đường cao tốc trên cao có vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng đang được hoàn chỉnh và chuẩn bị đệ trình lên UBND TP.HCM. Dự án do Sở GTVT TP.HCM làm việc với liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mekong và Công ty Cổ phần hạ tầng Đông Á thực hiện.

Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết trên Báo Giao Thông, TP đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông ưu tiên cấp bách để kéo giảm ùn tắc khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất như: Xây dựng cầu vượt nút giao đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài với tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng; Mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa với tổng số vốn gần 600 tỷ đồng; Xây cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm vốn đầu tư dự kiến hơn 504 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm các dự án xung quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch được UBND TP duyệt gồm: Xây cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Chinh – Cộng Hòa với vốn dự kiến 267 tỷ đồng; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý khoảng 657 tỷ đồng (trong đó GPMB chiếm 561 tỷ đồng); Mở rộng đường Trường Chinh với vốn đầu tư 2.049 tỷ đồng (trong đó GPMB là 1.771 tỷ đồng).

Cuối tháng 7 vừa qua, một dự án để giải quyết ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất được UBND quận Tân Bình đề xuất UBND TP đầu tư. Dự án nhằm cải tạo mương Nhật Bản (phường 2), có số vốn 360 tỷ đồng.

Lê Trai

Xem thêm: