Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường vừa đề xuất muốn triển khai dự án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa”, tổng vốn dự kiến 25.000 tỷ đồng.

pho hien hung yen 2
Khu di tích Phố Hiến (Hưng Yên). (Ảnh: dsvh.gov.vn)

Theo đề xuất của Xuân Trường, dự án này sẽ phục dựng những ngôi nhà cổ của Việt Nam, những ngôi nhà do thương nhân 12 nước châu Á xây dựng như Xiêm, Lữ Tống, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Dự án cũng phục dựng sự hiện diện của các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… để gợi nhớ về thương cảng Phố Hiến sầm uất nhất khi thương nhân quốc tế đến buôn bán.

Dự kiến, tổng diện tích đất là 1.874,8ha, chủ yếu khai thác khu đất ngoài bãi sông Hồng, không sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, khu quần thể Phố Hiến xưa có quy mô 511,3ha, để phục dựng khoảng 3.000 nhà cổ, trung tâm tâm linh tín ngưỡng, đình thờ tổ nghiệp trên mặt nước, trung tâm hội nghị, lễ hội cho doanh nhân…

Phố Hiến là một thương cảng – đô thị phồn hoa, nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XVIII, trải dài theo tả ngạn sông Hồng, được ví như “tiểu Tràng An”, vì thế mà có câu “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
den mau pho hien
Đền Mẫu, hay còn gọi là Hoa Dương Linh Từ hoặc đền Mậu Dương thuộc địa phận thành phố Hưng Yên, nằm trong khu di tích Phố Hiến. (Ảnh: laodong.vn)

Trải qua thời gian, hệ thống quần thể di tích lịch sử văn hoá vẫn còn hiện hữu và các lễ hội văn hoá truyền thống vẫn được người dân gìn giữ, tạo nên những nét văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của dân tộc Việt.

Phố Hiến gồm 16 di tích có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… thuộc các phường Hiến Nam, Lam Sơn, Quang Trung, Hồng Châu, Lê Lợi, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên.

Trước đó, ngày 20/5, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng có văn bản đề nghị thực hiện dự án Văn phòng đại diện Trung tâm thương mại Phố Hiến tại phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên.

Dự án có diện tích khoảng 2.793m2. Trong đó có khoảng 60 gian hàng cho thuê, 150 văn phòng cho thuê, phòng nghỉ đón khoảng 40.000 lượt khách/năm… Tổng vốn đầu tư đăng ký là 500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có và vốn huy động hợp pháp của doanh nghiệp.

Đến ngày 30/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên đã có văn bản số 1336, xin ý kiến thẩm định đối với đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư Văn phòng đại diện và trung tâm thương mại Phố Hiến. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là Tổ chức lựa chọn theo hình thức đấu giá. Đơn vị được đề xuất là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là cái tên không còn xa lạ, gắn liền với việc kinh doanh các khu quần thể tâm linh đồ sộ với diện tích hàng ngàn ha.

Người đứng sau công ty xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình.

Doanh nghiệp này đã đầu tư 15.000 tỷ đồng xây dựng chùa Bái Đính ở Ninh Bình; 11.000 tỷ đồng xây quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam). Trong đó, việc xây đền Tứ Ân thờ bà Phạm Thị Lan (là vợ ông Trường) thuộc quần thể chùa Tam Chúc khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Tại Hải Phòng, doanh nghiệp đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450 ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7 ha. Xuân Trường dự kiến xây tượng Phật cao 150 m. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108 ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

Tại Thái Nguyên, doanh nghiệp đầu tư 15.000 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940 ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha).

Tại Hà Nội, Xuân Trường cũng đề xuất xin 1.000 ha đất để đầu tư 15.000 tỷ đồng làm khu du lịch tại chùa Hương…

Trước đó hồi năm 2021, doanh nghiệp Xuân Trường bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, thu hồi 129,1ha đã cho thuê thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Nhận định về chùa Tam Chúc, hồi năm 2020, báo Đất Việt dẫn lời PGS.TS Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, nói rằng chùa Tam Chúc không mang nét văn hóa dân gian Việt Nam. Với các nhà chuyên môn về văn hóa có thể dễ dàng nhận ra, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất không có lịch sử văn hóa, cũng không gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà đơn giản nơi đó chỉ là vị trí đẹp, được doanh nghiệp lựa chọn xây dựng vì mục đích phát triển kinh tế hơn là văn hóa tâm linh.

Theo ông Biền, “khi xã hội phát triển thì càng chịu sự chi phối của đồng tiền, điều đó thấy rõ nhất trong vấn đề văn hóa tâm linh”. Chùa trong văn hóa của người Việt Nam thì chỉ cần xây vừa phải để gần gũi với người dân. Người xưa thường nói “hảo tự, ố tăng” – điều này có thể hiểu rằng “ngôi chùa càng to, càng đẹp bao nhiêu thì người tu hành càng vật chất bấy nhiêu”.

Ông Biền cho rằng bản chất của đạo Phật là phải hướng con người đến những điều thiện tâm, trí tuệ để đi đến giải thoát. Nhưng tại chùa Tam Chúc thì không làm được điều này. Chùa phải là nơi thanh tịnh, con người khi đến đó dẹp bỏ mọi ham muốn mà hướng đến cái thiện, giải thoát cho bản thân mình.

“Nhưng khi đến chùa Tam Chúc thì cho thấy sức mạnh của đồng tiền còn cao hơn cả lòng thành kính thì đó là điều du khách đáng phải xem xét lại”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói.

Trần Ba