Lần đầu tiên sau đợt cưỡng chế toàn bộ khu đất và nhà cửa của người dân Vườn rau Lộc Hưng (ngày 4 và ngày 8/1/2019), ngay trước Tết Nguyên Đán 2019, chính quyền quận Tân Bình và đại diện sở, ban, ngành TP.HCM tổ chức buổi đối thoại với người dân Vườn rau Lộc Hưng. Mặc dù vậy, các câu trả lời từ phía chính quyền, như cách nhận xét của người dân, “giống như các vị tiền nhiệm”.

buoi doi thoai vuon rau loc hung 3
Các luật sư hỗ trợ pháp lý và người dân Vườn rau Lộc Hưng trong buổi đối thoại ngày 18/8/2022. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trịnh Vĩnh Phúc/Facebook)

Người dân Vườn rau Lộc Hưng: 20 năm xin cấp giấy không thành

Theo tường thuật của người dân, buổi đối thoại bắt đầu trễ, từ 9h50 đến 12h30, do hơn một tiếng đầu giờ bị gây khó dễ về thủ tục gửi giấy mời, các luật sư trợ giúp pháp lý nỗ lực dàn xếp.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong 5 luật sư hỗ trợ pháp lý cho hay người dân Vườn rau Lộc Hưng nêu ra 3 vấn đề chính: yêu cầu chính quyền TP.HCM, chính quyền quận Tân Bình, cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải xác lập quyền sử dụng đất cho người dân hoặc ít nhất là xác lập bằng văn bản quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân thay vì nói người dân lấn chiếm đất hay nói đó là đất công như hiện tại; đền bù đất thỏa đáng; và bồi thường tài sản của họ khi bị cưỡng chế.

Ông Cao Hà Trực, 1 trong 5 người đại diện người dân Vườn rau Lộc Hưng tại buổi đối thoại cho hay khu đất Vườn rau Lộc Hưng là đất được Giáo hội Công giáo giao cho bà con sử dụng từ năm 1954, trải qua các thế hệ từ ông bà được trực tiếp canh tác, liên tục, kéo dài và không tranh chấp. Ông Trực khẳng định các hộ dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất và hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật đất đai.

“Thế nhưng năm 1999 chúng tôi xin kê khai và xin giấy xác nhận quá trình sử dụng đất lâu năm không tranh chấp tại sao không được? Luật Đất đai 1993 thì cho dù có lấn chiếm bến cảng, đồn bốt thì tất cả ổn định đến trước ngày 15/10/1993 đều được cấp quyền sử dụng đất, thế thì tại sao đất của chúng tôi lại không được cấp? Chúng tôi không đòi cấp quyền sử dụng đất mà chúng tôi chỉ cần xác định đúng nguồn gốc sử dụng. Chính quyền đã làm sai mọi thủ tục, quy trình trên mảnh đất của chúng tôi”, ông Trực cho hay.

Ông Trần Văn Thuật cho hay bà con ở Vườn rau Lộc Hưng hơn 20 năm đi xin cấp giấy xác nhận quá trình sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Người dân đã từng tiếp xúc ông Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch UBND TPHCM, bà Thái Thị Dư – Chủ tịch quận Tân Bình lúc bấy giờ, nhưng đều không được giải quyết giấy tờ. Vì đã sinh sống, canh tác và có nghĩa vụ đóng thuế, đầy đủ cơ sở pháp lý, ông Thuật yêu cầu chính quyền xác nhận quá trình sử dụng đất lâu năm không tranh chấp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con.

Bà Trần Thị Minh Thi đặt câu hỏi về vụ cưỡng chế phá nhà, mất mát tài sản vào ngày 4, ngày 8/1/2019, về trình tự pháp luật trong việc cưỡng chế, về tài sản mất mát trong cuộc cưỡng chế, đặt câu hỏi vì sao chính quyền không xác nhận quá trình sử dụng đất cho người dân dù người dân có đầy đủ tính pháp lý để được cấp quyền sử dụng đất.

“Hơn 3 năm… mất nhà, vợ chồng ly tán, đời sống khổ cực, tha phương cầu thực, mất mối làm ăn. Tại sao đất của chúng tôi ổn định lâu năm không tranh chấp mà không được cấp giấy tờ gì lại còn cướp đất của chúng tôi?” – bà Trần Thị Kim Thoa nói. Đại diện cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, bà Thoa đề nghị chính quyền xác định việc sử dụng đất hợp pháp cho người dân và bồi thường thỏa đáng trước khi thực hiện các dự án trên mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng.

Các luật sư bảo vệ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng nhận định việc cưỡng chế là sai quy trình, thủ tục hành chính, hủy hoại tài sản có dấu hiệu tội phạm, cần xử lý hình sự, bồi thường thiệt hại cho người dân.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay cần công khai văn bản, kế hoạch của việc cưỡng chế vì việc giải tỏa bằng Thông báo 159 ngày 29/12/2019 của UBND phường 9 không nêu căn cứ pháp luật trừ “ý kiến chỉ đạo” “là trái pháp luật”.

Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh nêu ý kiến ngoài xác định trách nhiệm đối với cuộc cưỡng chế, thì chính quyền cần xem xét việc thực hiện quy hoạch đã hợp pháp chưa, nếu chưa thì làm lại cho đúng pháp luật, cố gắng giải quyết bức xúc bà con kéo dài hơn 3 năm qua.
buoi doi thoai vuon rau loc hung 4
“… Tôi là dân di cư, theo bố mẹ từ Bắc vào Nam, có mặt trên mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng từ năm 13 tuổi, năm nay tôi 81 tuổi, đã sống, canh tác và gắn bó với mảnh đất này gần 70 năm, liên tục, ổn định và không tranh chấp… Hơn 20 năm đi khiếu nại để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” – ông Trần Văn Thuật. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trịnh Vĩnh Phúc/Facebook)

UBND quận Tân Bình: Cưỡng chế là ‘đúng luật’, quận đang xúc tiến việc thực hiện dự án

Tối 18/8, báo Thanh Niên đăng bản tin dẫn lời ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình về nội dung giải đáp người dân Vườn rau Lộc Hưng trong buổi đối thoại. Bản tin thiếu nội dung chất vấn của người dân, nêu 4 vấn đề mà đại diện quận Tân Bình trả lời,

Đối với nội dung đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND quận Tân Bình cho biết phần đất khu vườn rau tại bãi anten Chí Hòa (P.6, Q.Tân Bình) là đất chuyên dùng, trước đây chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi anten cho đài phát tín. Sau đó, Hội đồng quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn cùng đứng bộ. Tiếp đến, Nha giám đốc Viễn thông (chế độ Sài Gòn) tiếp tục quản lý sử dụng.

Năm 1955, trưởng trạm phát tín cho phép những người cư trú giáp phía Tây khu đất này được canh tác dưới cột anten vào ban ngày nhưng phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn. Năm 1967, khu đất này được nhập vào khu vực điền thổ Sài Gòn – Hòa Hưng, thuộc thẩm quyền của Ty Điền địa Sài Gòn.

Sau ngày 30/4/1975, nhà nước giao cho Trung tâm Viễn thông 3 thuộc Tổng cục Bưu điện quản lý, sử dụng, tới năm 1985, UBND TP.HCM chuyển giao khu đất này thành tài sản cố định của Trung tâm Viễn thông 3. Đến năm 1987, Tổng cục Bưu điện giao khu đất này cho Bưu điện TP.HCM quản lý.

Với lịch sử khu đất như trên, UBND quận Tân Bình khẳng định phần đất chuyên dùng này thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Đối với đề nghị bồi thường về tài sản, nhà cửa do bị cưỡng chế, UBND quận Tân Bình từ chố khi viện dẫn Luật Nhà ở và Luật Xây dựng quy định phải xử lý nếu xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, phải buộc tháo dỡ công trình hoặc phần công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế, khẳng định việc chính quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ trên khu đất này là “cần thiết và đúng pháp luật”.

buoi doi thoai vuon rau loc hung 1
Cuộc cưỡng chế khu đất Vườn rau Lộc Hưng đã phá dỡ 503 căn nhà, chiếm giữ 48.000m² đất, hủy hoại khối lượng lớn tài sản của người dân ước tính trên 100 tỷ đồng, theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trịnh Vĩnh Phúc/Facebook)

Đối với đề nghị bồi thường thỏa đáng nếu thực hiện dự án, UBND quận Tân Bình cho biết phương án giá đất của UBND TP.HCM để tính hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án là 7.055.000 đồng/m2 (tháng 1/2019).

UBND quận Tân Bình hỗ trợ canh tác hoa màu là từ 4-6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình; và tùy từng trường hợp cụ thể xem xét hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân có nhu cầu; xem xét hỗ trợ vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội.

Đối với đề nghị dự án nào trên khu đất này cũng phải thực hiện đúng quy định, UBND quận Tân Bình cho biết Dự án xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia đã được HĐND TP.HCM chấp nhận về chủ trương.

Cuối tháng 2/2022, UBND TP.HCM đã có quyết định bố trí vốn ngân sách của thành phố để thực hiện dự án này. UBND quận Tân Bình đang thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Dù luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhìn nhận cuộc đối thoại giúp “người dân có cơ hội nói gần như đầy đủ hết, họ trút ra bao nhiêu nỗi niềm, uất ức, nhận thức của họ về đất và cuộc cưỡng chế khốc liệt đầu năm 2019”, tuy nhiên, các câu trả lời của đại diện chính quyền không giải quyết những thắc mắc của người dân.

Ông Trực cho rằng cách trả lời này cũng giống như các vị tiền nhiệm trước đây, trả lời không hợp tình. Bà Thi đặt câu hỏi, rằng bà con đủ cơ sở pháp lý để xin cấp giấy và đã xin từ 20 năm trước taị sao lại không được cấp giấy tờ?, tới ngày 4, ngày 8/1/2019 sau khi cưỡng chế giáp Tết Nguyên đán lại nói người dân chống người thi hành công vụ.

Chủ tịch UBND quận Tân Bình ghi nhận những ý kiến chất vấn của đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng, hứa sẽ giao văn bản kết luận buổi đối thoại của Chủ tịch UBND quận Tân Bình kèm Biên bản cuộc họp sau 7 ngày. Tới chiều tối cùng ngày, ý kiến của UBND quận Tân Bình được báo Thanh Niên dẫn lại như trên.

Ý kiến độc lập: Người dân ít nhất có quyền sử dụng đất, không thể cưỡng chế

Trước sự kiện của buổi đối thoại lần đầu tiên được tổ chức giữa đại diện chính quyền quận và người dân Vườn rau Lộc Hưng, một số luật sư đã bày tỏ ý kiến độc lập qua tài khoản Facebook cá nhân.

Luật sư Trần Hồng Phong (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng buổi đối thoại chỉ là bước thăm dò đầu tiên thôi, còn con đường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất của bà con Vườn rau Lộc Hưng còn chông gai, mà Thủ Thiêm là một ví dụ. “Theo Luật Đất đai, người dân đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ”, luật sư Phong nhận định.

Luật sư Nguyễn Duy Bình (đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: “Cho dù nguồn gốc đất là của phía giáo hội quản lý, của thực dân quản lý, của chính quyền cũ quản lý hay chính quyền mới quản lý thì cũng đều là đất của đất nước Việt Nam, người dân đã được phép sử dụng gần nửa, hơn nửa đời người thì họ có đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất. Chủ trương, chính sách từ trước đến nay và Luật đất đai qua các thời kì đều cho phép họ sử dụng đất, đặc biệt là nông dân với chính sách người cày có ruộng. Họ di cư vào nam kiếm kế mưu sinh, thấy đất hoang và được phía giáo hội cho phép sử dụng thì họ có quyền sử dụng. Sau 1975 nhà nước vẫn để cho dân sử dụng. Như vậy, đây không còn là đất công, trừ những phần nhỏ do bưu điện xây dựng, quản lý.

Ở đất nước mình có một tiền lệ là khi nào không muốn cho dân hợp thức hóa thì chính quyền lại cho rằng đó là đất công. Trong lúc đó, khái niệm nhà nước quản lý phải được hiểu là quản lý hành chính, xác lập bản đồ, tổ chức kê khai, thu thuế, chứ không đồng nhất với khái niệm đất công. Muốn hình thành phần đất công phải có quyết định hoặc văn bản giao cho một cơ quan, tổ chức quản lý khi người dân chưa sử dụng hoặc có thể hiểu là phần đất đó đã do các cơ quan nhà nước, tổ chức sử dụng, chứ không thể cho rằng đất do dân khai hoang, do chế độ cũ để lại là đất công”. 

Ngoài ra, theo luật sư Bình, nếu cho rằng người dân xây dựng trái phép thì chỉ được phép cưỡng chế, tháp dỡ, còn đất họ vẫn có quyền sử dụng. Vì vậy, phía chính quyền cho rằng người dân lấn chiếm đất công và cưỡng chế thu luôn cả quyền sử dụng đất là không đúng cả về nội dung và thủ tục.

Độc giả vui lòng tham khảo thêm quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác cho hộ gia đình, cá nhân.

Nguyễn Quân