Công ty Hà Thanh đề xuất làm cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp rộng 60 ha, cách Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) từ 300-700 m.

seu dau do vuon quoc gia tram chim dong thap trithucvn
Theo lãnh đạo VQG Tràm Chim, số lượng sếu đầu đỏ (một loài chim cực kỳ quý hiếm có tên trong sách đỏ) giảm từ 1.000 cá thể năm 1980 xuống còn 11 cá thể năm 2018. (Ảnh: Văn Hùng/baodongthap.vn)

VQG Tràm Chim có tổng diện tích hơn 7.500ha, nằm trong địa giới thuộc 7 xã gồm: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Nơi đây là 1 trong 9 khu bảo tồn đất ngập nước được thế giới công nhận, với hơn 130 loài thực vật bậc cao, 231 loài chim, 130 loài cá nước ngọt, 185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy… đặc biệt là sếu đầu đỏ – một loài chim cực kỳ quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Hồi tháng 2/2021, Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh (Công ty Hà Thanh) được giới chức tỉnh Đồng Tháp đồng ý khai thác mỏ sét và xây dựng nhà máy gạch men rộng 25 ha, công suất 15 triệu m2 gạch mỗi năm, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Vị trí nhà máy nằm ở ấp K12, xã Phú Hiệp và nằm gần VQG Tràm Chim.

Đến cuối năm 2021, Công ty Hà Thanh còn đề xuất làm cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp (Cụm công nghiệp Phú Hiệp) rộng 60 ha nằm cạnh nhà máy gạch men nói trên, mở rộng về phía VQG Tràm Chim và cách VQG này từ 300-700 m.

Đưa ra ý kiến về đề xuất trên, TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái thuộc Quỹ Bảo tồn ĐBSCL (MCF), cho rằng những hoạt động của cụm công nghiệp như tiếng ồn sẽ tác động tới sinh sống của các loài chim; làm giảm mật độ, một số loài sẽ phải bỏ đi nơi khác.

Ngoài ra, khí thải cụm công nghiệp từ việc sử dụng than đá để nung gạch sẽ phát thải khí chứa lưu huỳnh, ảnh hưởng môi trường sống của các loài chim.

Chưa kể, nước thải từ sản xuất, dù công ty có phương án chứa và xử lý nước thải bên trong cụm công nghiệp, song địa hình cao, việc tích nước sẽ gây thấm ngang.

Đáng lo ngại, khi nhà máy khai thác hết tầng đất sét, đến lớp phù sa cổ không có khả năng chống thấm, việc rò rỉ nước thải ra sông rạch, thấm sâu xuống tầng nước ngầm là khó tránh khỏi.

Theo TS Ni, sở dĩ tổ chức Ramsar công nhận VQG Tràm Chim là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, vì vùng lõi và vùng đệm ở đây đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường, cảnh quan và điều kiện kinh tế – xã hội của người dân trong vùng đệm. Do vậy, việc phát triển cụm công nghiệp gần đó là đáng lo ngại, nguy cơ tổ chức Ramsar sẽ rút lại công nhận đối với VQG Tràm Chim.

Phía UBND tỉnh Đồng Tháp cơ bản thống nhất đề xuất thành lập cụm công nghiệp bởi phù hợp định hướng phát triển công nghiệp, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, theo báo Vnexpress. Tuy nhiên, chính quyền cũng lo ngại vị trí quá gần của cụm công nghiệp sẽ ảnh hưởng hệ sinh thái VQG Tràm Chim.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu VQG Tràm Chim thuê đơn vị tư vấn đánh giá toàn diện về tác động môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan.

“Trên cơ sở báo cáo của đơn vị tư vấn, tỉnh sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN&MT xem xét, cho ý kiến. Từ ý kiến của 2 bộ trên, tỉnh mới thực hiện các bước tiếp theo. Hiện nay, UBND tỉnh chưa đồng ý đề xuất làm cụm công nghiệp Phú Hiệp của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói, theo báo Dân Việt.

Số lượng sếu đầu đỏ giảm từ 1.000 cá thể năm 1980 xuống còn 11 cá thể năm 2018

Báo Đồng Tháp hồi năm 2018 dẫn lời lãnh đạo VQG Tràm Chim cho biết đang có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của VQG.

Biến đổi khí hậu có xu hướng làm nhiệt độ ngày càng tăng, hệ quả là hạn hán, nước cạn kiệt, dễ cháy trong mùa khô… làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Số lượng sếu đầu đỏ giảm từ 1.000 cá thể năm 1980 xuống hiện chỉ còn 11 cá thể năm 2018.

Bên cạnh đó, áp lực về dân số và di cư cũng ảnh hưởng đến VQG Tràm Chim. Tình trạng người dân thường xuyên xâm nhập trái phép, khai thác làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong VQG, nhất là việc sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như lưới điện, cào điện…

Mặt khác, việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn có khả năng tác động lớn đến đồng bằng sông Cửu Long nói chung và VQG Tràm Chim nói riêng. Ảnh hưởng trực tiếp có thể làm mất đi một số loài cá không trở về thượng nguồn sinh sản, giảm nguồn thức ăn của các loài chim nước. Ảnh hưởng đến dòng chảy sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn, gây tác động rất lớn đến hệ động, thực vật…

Hoàng Minh