Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết bảng lương tại dự án Cát Linh Hà Đông được chấp thuận ở mức “trung bình tiên tiến” so với các doanh nghiệp Nhà nước khác, để khuyến khích người lao động làm việc tại đây.

duong sat cat linh ha dong 1
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Truyền thông nhà nước vừa cho biết Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây đã dựng xong bảng lương lao động vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông và được giới chức Hà Nội thông qua.

“Bảng lương được xây dựng và chấp thuận ở mức “trung bình tiên tiến” so với các doanh nghiệp Nhà nước khác, có xét đến yếu tố đặc thù và cũng là khuyến khích người lao động làm việc tại đây”, đại diện Công ty nói.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 681 người, với 112 chức danh và vị trí việc làm.

“Do lái tàu Cát Linh – Hà Đông là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng”, người này cho biết.

Tuy nhiên, mức lương cụ thể ở từng chức danh và vị trí công việc khác không được tiết lộ.

Về nguồn lao động, dự án có một số lao động đã từng làm việc tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, lao động là giáo viên đào tạo về đường sắt và tùy chức danh công việc để thực hiện tuyển dụng lao động phù hợp, theo các yêu cầu cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, ngành nghề, kinh nghiệm…

Về giá vé: Vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách ưu tiên) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường).

Vé ngày có giá 30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày; vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m; bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên 28 điểm.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ khai thác thương mại vào quý 1/2021.

Kim Long