Categories: Thời sựViệt Nam

Dự án mở rộng CHK Điện Biên: Tổng chi phí hơn 1.467 tỷ đồng; GPMB 149ha đất trong 8 tháng

Dự kiến, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý 3/2023.

Phối cảnh sân bay Điện Biên sau khi hoàn thành mở rộng. (Ảnh: ACV)

Sáng 22/1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên.

Dự án sẽ cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Dự án cũng xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2400x45m, sân quay 2 đầu; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.

Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, trong đó tầng 1 gồm khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và đến; tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2023.

Được biết, tỉnh Điện Biên đã giải phóng mặt bằng 149 ha đất trong 8 tháng để bàn giao toàn bộ cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc phục vụ mở rộng sân bay.

Hiện Cảng hàng không Điện Biên với kết cấu hạ tầng chính gồm: 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830m x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 470/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Điện Biên nằm trên tuyến du lịch quốc gia Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Sa Pa – Lào Cai – Hà Nội; cũng là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên cho biết trong 9 tháng năm 2021, lượng du khách đến Điện Biên tiếp tục sụt giảm do đại dịch COVID-19; nhiều khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa, các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho du khách giảm, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn thu từ dịch vụ này. Dự ước tổng lượng khách du lịch trong 9 tháng đạt 330 nghìn lượt, chỉ đạt 36% kế hoạch. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 540 tỷ, chỉ đạt 41% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Lê Thành Đô cho hay những năm gần đây, tỉnh đã được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn (VinGroup, FLC, TH True Milk, Flamingo, Tập đoàn Hải Phát, Tập đoàn Đèo Cả, các nhà đầu tư phát triển cây mắc ca …) quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị… Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.

Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết, phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế.

Với vị trí địa lý tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phongsaly và Luang Prabang (Lào), Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN. Đây cũng là khu vực có điều kiện thuận lợi phát triển thương mại xuất nhập khẩu, chế biến nông sản và thương mại biên giới qua các tuyến đường kết nối: Điện Biên – Tuyến đường R3 nối Côn Minh – Bangkok đi qua Luang Namtha và Bokeo; Điện Biên – Oudomxay – Luang Prabang kết nối với tuyến đường đường sắt cao tốc xuyên Á từ Côn Minh đi Singapore; ngoài ra còn có kết nối tuyến đường thủy sông MeKong trong tiểu vùng (6 nước) hiện nay đã có 14 cảng quốc tế giữa Lào – Trung Quốc – Myanmar – Thái Lan…

Việt Nam sẽ có 26 sân bay vào năm 2030

Cục hàng không Việt Nam đã lấy ý kiến Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Dự kiến, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 26 sân bay. Trong đó một số địa phương đề xuất mở thêm sân bay tại địa phương không được đưa vào kế hoạch.

Hiện nay, cả nước có 22 sân bay đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Khu vực miền Bắc có 7 sân bay: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên, Đồng Hới. Khu vực miền Trung có 7 sân bay: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Chu Lai. Khu vực miền Nam có 8 sân bay: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau. Phần lớn sân bay nội địa hiện nay có khả năng phục vụ tàu bay thân hẹp A320/A321. Tuy nhiên, có 1 số sân bay chỉ tiếp nhận được tàu bay ATR 72 gồm Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.

Kim Long

Xem thêm:

Kim Long

Published by
Kim Long

Recent Posts

Ngày 22-4, NHNN sẽ đấu giá 16.800 lượng vàng

Ngày 22-4, NHNN sẽ đầu thầu 16.800 lượng vàng (0,63 tấn) để bình ổn thị…

1 giờ ago

Trung Quốc tăng cường bán phá giá thép, Mỹ kêu gọi tăng thuế

Ông Joe Biden đã chọn chính Pittsburgh để phát động cuộc tấn công vào hoạt…

2 giờ ago

Nội chiến Myanmar: Chính quyền quân sự liên tiếp thất bại tại các cảng biên giới

Lực lượng nổi dậy chống chính quyền quân phiệt ở Myanmar vào tuần trước đã…

2 giờ ago

Chuyên gia khuyến cáo thị trường còn tiếp tục “đỏ lửa”

Phiên 19/04/2024, VN-Index giảm 18.16 điểm về 1,174.85 điểm, tương ứng giảm 1.52%. Chuyên gia khuyến cáo…

4 giờ ago

Đông y: Hội chứng căng thẳng hành hạ con người hiện đại

Hầu như ngày nào con người cũng sống dưới sự kích thích của căng thẳng,…

5 giờ ago

FBI cáo buộc hacker Trung Quốc chuẩn bị tấn công cơ sở hạ tầng Mỹ

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết hôm thứ Năm (18/4) rằng các tin tặc…

5 giờ ago