Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 1.500 tỷ đồng lên gần 2.000 tỷ đồng.

khu do thi thu thiem
Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Đồ họa: thuthiem.hochiminhcity.gov.vn)

Truyền thông nhà nước hôm 14/5 cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đã có phúc trình về tiến độ thực hiện 8 dự án trọng tâm, trọng điểm trong 2 tuần cuối tháng 4/2021.

Trong đó, đáng chú ý, dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch (trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) được đề xuất tăng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng trong bối kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Cụ thể, dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch được quyết định chủ trương đầu tư công năm 2018 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Công trình có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ, diện tích sử dụng hơn 20.000m2. Ban đầu, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 – 2022.

Sau hơn 2 năm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỷ đồng, và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.

Đồng thời, Ban Quản lý kiến nghị “xem xét, chấp thuận chọn phương án thiết kế để chủ đầu tư sớm tiến hành triển lãm các phương án đoạt giải, lấy ý kiến của các chuyên gia và triển khai các bước tiếp theo của dự án”.

Trước đó, dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch được biết đến là dự án có nhiều thị phi.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thời điểm năm 2018 khi còn ngồi ghế chủ tịch HĐND thành phố từng phát ngôn: “Có nhiều ý kiến từ dư luận xã hội như xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm thì phải lắng nghe, cân nhắc. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh thông qua thì mãi mãi không làm được cái gì lớn. Với dự án tầm cỡ như vậy thì phải có thời gian để chuẩn bị. Nếu bây giờ mình không làm thì bao giờ mới làm. Tiền càng để lâu càng mất giá”.

Thế nên, vào tháng 10/2018, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư dự án, với mong muốn đáp ứng yêu cầu… đẳng cấp quốc tế.

Báo Pháp Luật Việt Nam hồi năm 2018 có viết: “Một kỳ họp HĐND bất thường bàn về chuyện rất bình thường là xây nhà hát giao hưởng, 100% đại biểu đồng tình thông qua Nghị quyết nhưng lòng dân sục sôi phản ứng, mạng xã hội tràn ngập lời giễu cợt, tranh biếm họa”.

Báo này cũng dẫn lại lời từ kiến trúc sư TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, lấy 1.500 tỷ đồng từ ngân sách để làm nhà hát là số tiền không phải ít, trong khi thành phố đang khó khăn. “Nhiều dự án dân sinh cấp thiết hàng đầu như xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, các dự án chống ngập đang thiếu vốn trầm trọng, chưa kể y tế, giáo dục,… nhiều nơi còn thiếu, chưa đạt chuẩn”, vị kiến trúc sư nói.

Cũng trong năm này, báo Thanh Niên dẫn lời từ PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) cho biết, ông cảm thấy không hào hứng khi thành phố bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây nhà hát.

Ông Ninh cho rằng tình hình xã hội của khu đô thị này chưa ổn định sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều sai phạm. Tinh thần của người dân chưa “bình yên” thì chưa nên vội nói đến nâng cao, vui chơi.

“1.500 tỷ không phải số tiền nhỏ. Thành phố nên sử dụng cho những việc cần làm ngay, đó là đầu tư cho các nhu cầu thực tiễn, cải thiện, nâng cấp đời sống của người dân. Khi đời sống chưa thái bình thì chưa nên nghĩ đến hưởng thụ, nếu không muốn bị đánh giá là hám danh”, ông Ninh nhận xét.

Văn Duy

Nhà hát nghìn tỷ hay môi trường nghệ thuật nghìn tỷ?